“Sự tích” hồ ba Bông
Mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông ba Bông vẫn giữ nguyên phong thái xông xáo, nhanh nhẹn với nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi. Ông kể: Ông là con thứ hai trong gia đình nên ai cũng gọi ông là ba Bông. Năm 1957, ông cùng gia đình từ Quảng Nam lên Nam Yang (lúc đó là xã Lệ Chí) định cư.
Sau khi hoàn thành bậc học phổ thông rồi tốt nghiệp đại học ngành Kiến trúc-Xây dựng tại Cần Thơ, ông có một thời gian làm việc ở miền Nam. Năm 1975, ông quay về Nam Yang làm việc tại Phòng Tài chính huyện Mang Yang (cũ). Đến năm 1984, ông được phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Yang.
Cầu thôn 2 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa)-tiền thân là cầu ba Bông. Ảnh: Hà Duy |
Ông Bông chia sẻ: “Khi về làm việc tại HTX, tôi có cơ hội đi tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh bạn. Đi nhiều thấy nhiều, tôi nhận ra khí hậu, đất đai của Gia Lai nói chung, Nam Yang nói riêng rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày, nhất là cà phê.
Tôi đã trực tiếp lấy mẫu đất trồng cà phê ở Đắk Lắk về nghiên cứu, so sánh với đất ở Gia Lai và thấy chỉ cần bổ sung thêm kali, lân là có thể trồng được cà phê. Thời điểm này, người dân ở đây hầu hết chỉ trồng lúa hoặc rau màu nên cuộc sống không ổn định. Hồi đó, riêng xã viên của HTX chỉ trồng lúa và tính công, cứ 1 công được tính nửa ký lúa. Mà nửa ký lúa thì sao đủ sống.
Mình có kiến thức, biết cách làm, có tài nguyên, vậy thì tại sao lại để cho người dân nghèo mãi? Vì vậy, sau khi tham quan, học hỏi, tôi nghĩ cách để người dân có thể phát triển cây công nghiệp dài ngày, mà điều kiện trước tiên là phải có nguồn nước”.
Có một con mương cụt xuất phát từ thị trấn Đak Đoa chạy về phía xã Nam Yang. Hai bên mương là đồi Cây Bút và núi Chùa. Xác định đây chính là nguồn nước để người dân trong vùng có thể trồng trọt, ông Bông liên hệ với Sở Thủy lợi để “vẽ” một con đập tại dòng mương này. Sau đó, ông cùng cán bộ HTX đến từng nhà vận động, giải thích để người dân góp sức làm đập ngăn dòng, tạo nguồn nước ổn định để chuyển đổi cây trồng. Sau khi mọi người đồng thuận, HTX bắt đầu hợp đồng xe ủi đất, múc đất, cùng người dân đắp đập làm hồ.
Năm 1988, hồ hoàn thành. Để cảm ơn công đầu của ông Bông, người dân nơi đây đã định danh luôn là “hồ ba Bông”. Và cũng từ đó, người dân bắt đầu trồng cà phê trên diện tích gần 1.000 ha ở đồi Cây Bút, núi Chùa và một số vùng xung quanh. Từ những rẫy cà phê này mà trong thôn, trong xã đã có nhiều gia đình xây được nhà lầu, mua được xe hơi, có của ăn của để.
Đáng nói, ông Bông hoàn toàn không có vườn cà phê hay cây trồng nào ở đây. Điều này minh chứng cho sự vô tư, hào sảng, hết mình, trách nhiệm và không vụ lợi của ông đối với nơi mình sinh sống.
Anh Nguyễn Văn Hương (xã Nam Yang) cho hay: “Tôi có 600 cây cà phê ở gần hồ ba Bông. Quanh hồ còn có nhiều vườn cà phê của bà con trong xã. Nếu không có hồ cấp nước này thì toàn bộ diện tích cà phê ở đây có lẽ không được xanh tốt như hiện nay. Chúng tôi rất cảm kích công sức mà ông ba Bông đã bỏ ra cho người dân”.
Còn sức là còn cống hiến
Kể từ khi về công tác tại địa phương, ông Bông còn ghi dấu ấn của mình trong rất nhiều việc khác, mà đáng nhắc đến nhất là việc xây dựng cây cầu được người dân gọi là “cầu ba Bông” và con đường nối từ trung tâm thôn 2 đến rẫy cà phê của bà con trong thôn.
“Sau khi hồ nước hoàn thành, tôi lại chú ý đến cây cầu. Cây cầu lúc này tạm bợ và nhỏ lắm, chỉ vừa cho 1 cái xe bò đi. Vậy là, tôi lại lên tỉnh xin sắt thép để về làm một cây cầu chắc chắn hơn, rộng hơn và bà con gọi luôn là cầu ba Bông. Tôi thấy cũng vui vui trong lòng. Mặc dù giờ cầu làm lại rồi, người ta gắn tên là cầu thôn 2, nhưng người dân vẫn quen gọi là cầu ba Bông”-ông Bông tươi cười cho biết.
Ông Trần Đình Bông (bìa phải) bên “hồ ba Bông”-nguồn nước tưới cho hàng ngàn héc ta cà phê, sầu riêng ở khu vực này. Ảnh: H.D |
Năm 1995, ông Bông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang. Đến năm 1997, vì lý do gia đình, ông xin nghỉ hưu sớm. Sau đó, ông quay lại với ngành nghề ngày xưa đã học, nhận thầu làm nhà cho các hộ dân. Dù công việc bận bịu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Năm 2021, ông được bầu làm Trưởng ban vận động thôn. Ban có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Hoàn toàn là việc “vác tù và hàng tổng” nhưng ông luôn tâm niệm còn sức là còn cống hiến. Khi cần, ông cùng với các thành viên đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, có khi 9-10 giờ đêm mới về đến nhà.
Cũng trong năm 2021, ông đã mạnh dạn làm tờ trình và vận động bà con kiến nghị làm đường giao thông nội đồng phục vụ phát triển kinh tế. Ông cho hay: “Đường giao thông nội đồng trong thôn chỉ vừa 1 xe công nông đi qua. Mùa nắng thì bụi dày, còn mùa mưa thì lầy lội... nên đi lại rất vất vả. May mắn là khi tôi làm tờ trình đã được huyện đồng ý đầu tư”.
Để làm con đường giao thông nội đồng này, cứ tối đến, ông lại cùng các thành viên Ban vận động thôn đến từng nhà người dân có rẫy nằm trên con đường đi qua vận động đóng góp tiền để nâng cấp đường. Trung bình cứ mỗi hộ dân có 1 ha rẫy thì góp 4 triệu đồng. Cứ như vậy, con đường dài gần 3 km đã được nâng cấp thông thoáng, kiên cố với bề mặt rộng 8 m, đổ bê tông dày 18 cm; tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 2/3 tổng chi phí. Riêng bản thân ông Bông mặc dù không có rẫy trên con đường này nhưng cũng đóng góp phần nhỏ để làm gương cho bà con trong thôn.
Nói về ông Trần Đình Bông, ông Nguyễn Đình Vấn-Trưởng thôn 3-không tiếc lời khen: “Ông ba Bông là người giản dị, gần gũi và vô cùng nhiệt tình với công việc của thôn. Với những kinh nghiệm của người đi trước, ông luôn góp ý cho cán bộ trẻ chúng tôi nên làm gì, làm như thế nào cho hợp tình hợp lý. Bản thân ông đã là một tấm gương về sự hy sinh, cống hiến, làm gì là làm tới cùng, làm cho bằng được. Người dân ở đây ai cũng rất mến ông”.
Những đóng góp, cống hiến của ông Bông tại địa phương từ trước đến nay đã được ghi nhận xứng đáng khi ông nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng. Mới đây nhất, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023.