“Vị quan tòa” của làng Ia Pết
Anh Rah Lan Tháo (SN 1985, làng Ia Pết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) được dân làng xem là tấm gương vượt khó trong phát triển kinh tế. Không những thế, anh còn được người dân quý mến và xem như “vị quan tòa” bởi khả năng hóa giải các vụ việc xích mích, mâu thuẫn. Với vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn từ năm 2015 đến nay, anh đã dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân mỗi khi gặp khó khăn.
Theo anh Tháo, trước đây, các cặp vợ chồng hay anh chị em trong gia đình thường xảy ra xích mích. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai. Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Do đó, trong các cuộc họp, anh thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu. Khi có sự việc xảy ra, anh đều kịp thời đến khuyên giải.
“Ban đầu, tôi gặp gỡ, khuyên giải 2 bên bình tĩnh, tránh để xảy ra xô xát. Sau đó, tôi đến tận từng gia đình để nắm bắt sự việc trước khi đưa ra hòa giải. Có những vụ việc đi lại rất nhiều lần nhưng tôi không nản chí mà luôn cố gắng phân tích cho người dân hiểu. Nhờ vậy, các sự việc khi đưa ra hòa giải đều thành công”-anh Tháo chia sẻ.
Anh Tháo tuy còn trẻ tuổi nhưng siêng năng trong sản xuất, được người dân quý mến. Ảnh: N.H |
Nói về người “cầm cân nảy mực của làng”, ông Kpuih Dun chia sẻ: Nhờ có anh Tháo mà nhiều vụ việc xích mích được hóa giải, dân làng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. “Đơn cử như trường hợp của gia đình tôi. Trước đây, đất đai còn rộng, dân cư còn thưa thớt. Vì thế, ông Rah Lan Crêng (cùng làng) rủ tôi chuyển về ở cùng trên đất của ông cho vui. Hồi đó, ông Crêng cho tôi ở và canh tác trên mảnh đất rộng 3 sào. Sau đó, tôi khai hoang thêm 1 sào. Sau khi ông Crêng qua đời, con trai của ông là Rah Lan Ó đòi lại diện tích đất mà tôi đang ở. Ban đầu, tôi đưa ra giải pháp trả tiền công khai hoang nhưng Ó không đồng ý. Được anh Tháo phân giải, chúng tôi đi đến quyết định là tôi trả lại cho gia đình Ó 1 sào đất, gia đình tôi giữ lại 3 sào để canh tác. Hai gia đình từ đó cũng trở lại vui vẻ với nhau”-ông Dun kể.
Bên cạnh việc tham gia hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong làng, anh Tháo còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, anh vận động người dân hiến 6.000 m2 đất để mở rộng tuyến đường ra khu sản xuất của làng. Ngoài ra, anh vận động người dân tích cực tham gia dọn vệ sinh khu vực công cộng, các tuyến đường làng.
Ông Lê Xuân Thống-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Pal-khẳng định: Anh Rah Lan Tháo là người có uy tín ở làng Ia Pết. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tháo còn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, hoạt động ở cơ sở. Đặc biệt, anh có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải, góp phần củng cố khối đoàn kết ở khu dân cư. Vì thế, anh Tháo nhiều lần được các cấp, ngành của huyện và xã biểu dương, khen thưởng.
“Đầu tàu” gương mẫu ở khu dân cư
Người dân tổ 3 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đều quý mến Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn Thị Huệ bởi tinh thần nhiệt huyết, đi đầu trong thực hiện và vận động bà con thực hiện các phong trào, hoạt động ở cơ sở. Chị Huệ cho biết, trước khi làm Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố, chị đã có 6 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng chị vẫn cảm thấy áp lực khi một lúc kiêm cả 2 vai.
“Khi đảm nhận vai trò mới, công việc nhiều hơn đòi hỏi tôi phải nỗ lực hơn. Tôi luôn tranh thủ cả buổi tối và ngày cuối tuần để xử lý công việc, nhất là trong công tác hòa giải, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”-chị Huệ bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Huệ-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 3 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Ảnh: N.H |
Dẫn chúng tôi đi dạo trên một số tuyến đường, chị Huệ cho biết, tổ 3 có 320 hộ (bao gồm các hộ tạm trú). Mặc dù người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ và lao động tự do nhưng kinh tế khá ổn định. Người dân cũng có tinh thần đoàn kết, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động nên công tác tuyên truyền, vận động rất thuận lợi.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, chị vận động người dân đóng góp được trên 2,2 tỷ đồng để làm mới 10 tuyến đường giao thông, lắp điện chiếu sáng tại các tuyến đường; đóng góp gần 60 triệu đồng nâng cấp hội trường, làm sân chơi cho trẻ em, mua sắm thêm bàn ghế phục vụ hội họp. Ngoài ra, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học, hàng năm, chị còn vận động người dân tặng 200-300 suất quà cho các em học sinh.
Chị Nguyễn Thị Huyền (27/21 Lê Đại Hành) cho hay: Chị Huệ là người rất năng nổ, nhiệt tình trong công việc, luôn quan tâm và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ các gia đình khó khăn. Trong những năm qua, chị luôn có mặt kịp thời để xử lý các vấn đề nảy sinh mà người dân phản ánh. Chị cũng gương mẫu trong tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. “Riêng gia đình tôi từ năm 2021 đến nay đã đóng góp gần 20 triệu đồng để làm đường giao thông, tu sửa hội trường”-chị Huyền cho biết.
Ông Phạm Toàn Vinh-Chủ tịch UBND phường Thống Nhất-thông tin: Là Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 3, những năm qua, chị Nguyễn Thị Huệ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, đặc biệt là vận động người dân tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư. Vì thế, chị Huệ nhiều lần được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen; Chủ tịch UBND thành phố, Đảng ủy và UBND phường khen thưởng vì các thành tích trong công tác, trong học tập và làm theo gương Bác.