Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Mổ xẻ những vấn đề nổi cộm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 6-7, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ. Đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung mổ xẻ những vấn đề nổi cộm, cấp thiết được cử tri quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình.

Tại phiên thảo luận tổ, đã có nhiều ý kiến tham gia với những vấn đề cấp thiết được đại biểu, cử tri quan tâm. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023.

Hầu hết ý kiến cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2023, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành được các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy

“Điểm nghẽn” giải ngân chậm

Nhằm làm rõ những vướng mắc đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ, kết quả giải ngân chưa cao, các đại biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân để tìm ra giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” này.

Đại biểu Đinh Hữu Hoà-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích: Việc hụt thu tiền sử dụng đất dẫn đến không có kinh phí bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng (sử dụng nguồn vốn sử dụng đất), kéo theo giải ngân chậm. Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn thu tiền sử dụng đất tuy đã có khối lượng nhưng chưa được bố trí vốn để giải ngân. Hiện qua rà soát, trong 8 dự án có kế hoạch thu tiền sử dụng đất trong năm 2023 thì chỉ có 3 dự án có khả năng thu được tiền sử dụng đất vào cuối năm. Tuy nhiên, để thực hiện được thì đề nghị các sở, ngành liên quan cùng tham gia phối hợp tháo gỡ những vướng mắc về các thủ tục pháp lý liên quan. Đối với 5 dự án còn lại chủ yếu vướng các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, quy hoạch phân khu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tham gia phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tham gia phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, nhất là các dự án trên địa bàn TP. Pleiku. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, cũng như phân bổ vốn kịp thời. Về lâu dài, UBND tỉnh cần tính toán, chọn những đơn vị tư vấn có năng lực tránh tình trạng hồ sơ bị trả đi, trả lại nhiều lần làm mất thời gian. Cùng với đó, các địa phương cần tính toán, đề xuất danh mục đầu tư phù hợp với tình hình thực tế để khi triển khai kêu gọi đầu tư sẽ đạt hiệu quả hơn”-đại biểu Hòa nêu giải pháp.

Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho rằng: Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và có nhiều động thái tích cực nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” này nhưng kết quả giải ngân vẫn không khả quan. Ngoài những nguyên nhân như: cơ chế chính sách còn vướng các quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, giấy phép môi trường… thì việc hụt thu tiền sử dụng đất và năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu cũng chính là những trở ngại lớn.

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Đức Thụy

Ở tồn tại này, đại biểu Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-nêu giải pháp khắc phục: Về lâu dài, khi chúng ta trình phê duyệt các danh mục kêu gọi đầu tư thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố như quy hoạch, mặt bằng, các thủ tục pháp lý liên quan... Có như vậy, khi chúng ta triển khai kêu gọi đầu tư sẽ thuận lợi hơn, việc triển khai các thủ tục sẽ nhanh hơn và khả thi hơn trong thực hiện cũng như khả năng hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất.

Trăn trở trước việc hụt thu tiền sử dụng đất dẫn đến nhiều chỉ tiêu khác không đạt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời thành lập 3 tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh sẽ rà soát và xác định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành. Các sở, ngành, đơn vị cũng đưa ra kế hoạch cụ thể để xem xét nhiệm vụ nào cấp thiết thì ưu tiên thực hiện trước.

Sau khi nắm rõ những vướng mắc, bất cập trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên-đề nghị: Chúng ta cần quyết liệt đưa ra các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong thời gian tới, nếu công tác này không quyết liệt thì nguy cơ mất vốn rất cao, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta cần khắc phục ngay tình trạng “ngồi phòng lạnh” để chỉ đạo công việc. Chúng ta phải thường xuyên đi cơ sở, nắm cơ sở nhiều hơn, nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chú trọng hơn công tác nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Mổ xẻ những vấn đề nổi cộm

Một số vấn đề nổi cộm còn tồn tại cũng được đại biểu thẳng thắn nhìn nhận trong phiên thảo luận tại tổ. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là dự thảo Nghị quyết thông qua kết quả điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai.

Đại biểu Vũ Tiến Anh-Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh-cho rằng: Dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Do đó, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Nếu Nghị quyết này không được thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của các địa phương dẫn đến việc kêu gọi các dự án đầu tư của các địa phương sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Đại biểu Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy-nêu quan điểm: Đối với dự thảo Nghị quyết này, chúng ta phải xem xét, cân nhắc và điều chỉnh đúng hướng. Các quy trình phải làm đúng theo hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, tránh để xảy ra sai sót.

Đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh bày tỏ lo ngại trước tình hình một số loại tội phạm gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh bày tỏ lo ngại trước tình hình một số loại tội phạm gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các loại tội phạm có xu hướng tăng, nhất là nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh-cho biết: Vụ án liên quan đến giết người tăng 48 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Theo quy định mới, tất cả vụ gây thương tích có sử dụng hung khí dù thương tích nhẹ vẫn đưa vào tội giết người, cố ý giết người dẫn đến loại tội phạm này tăng cao. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng, tiếp cận mạng xã hội của người dân lớn nên loại tội phạm lừa đảo qua mạng cũng tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù, cơ quan chức đã có nhiều cảnh cáo những vẫn có nhiều vụ xảy ra, với số tiền lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng.

“Đặc biệt, loại tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay đáng báo động, dính đến ma túy thì sẽ kéo theo các loại tội phạm khác như cướp giật, trộm cắp, giết người... Do đó, thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt hơn, có giải pháp căn cơ hơn nhằm ngăn chặn các loại tội phạm này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”-đại biểu Quang thông tin.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận tổ nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới tình trạng hiện nay cán bộ, công chức khối chính quyền sợ trách nhiệm dẫn đến nhiều công việc bị trì trệ, kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc chung. Đại biểu Vũ Tiến Anh cho rằng: “Việc thẩm định, phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án thường mất nhiều thời gian ở các khâu như phương án phòng cháy, chữa cháy, thủ tục đất đai, tác động môi trường… mất rất nhiều thời gian, ì ạch ở bộ phận cán bộ, công chức khối chính quyền các cấp vì sợ trách nhiệm. Tôi đề nghị UBND tỉnh cần thiết ban hành chỉ thị để “chữa bệnh” sợ trách nhiệm”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nêu rõ thực trạng: Để giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả thì chúng ta cần tháo gỡ ngay “điểm nghẽn” trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ. Tầm nhìn, công tác quản lý, năng lực lãnh đạo cũng như việc tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn đang có vấn đề. Đặc biệt, sự thụ động, chờ đợi lẫn nhau, chậm giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, các nhân.

“Chưa có thời điểm nào như trong thời gian qua, tôi lại nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp vì chúng ta chậm lắng nghe, chậm giải quyết. Quan trọng là doanh nghiệp muốn chúng ta lắng nghe để cùng tháo gỡ, cùng giải quyết và cùng đồng hành phát triển. Tôi biểu dương Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù mới nhận nhiệm vụ mới nhưng khi doanh nghiệp có kiến nghị đã tổ chức đối thoại ngay lập tức với doanh nghiệp để cùng tháo gỡ"-Chủ tịch HĐND tỉnh nhìn nhận.

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: "Có nhiều quy định thuộc thẩm quyền địa phương thì chậm thay đổi, khắc phục; còn những quy định thuộc thẩm quyền cấp trên thì chậm lắng nghe, tiếp thu, báo cáo cấp trên để giải quyết. Suy nghĩ sợ trách nhiệm, không dám làm hoặc không dám làm nhanh, làm đúng thẩm quyền dẫn đến công việc chậm trễ. Vấn đề này, tôi đề nghị chúng ta phải quan tâm khắc phục, điều chỉnh ngay”.

Chiều nay, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường và tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".