Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII: Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 5-7, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức kỳ họp thứ 13. Chủ trì kỳ họp có các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Dự kỳ họp có các ông: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành cùng 63/70 đại biểu HĐND tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Kinh tế phát triển song vẫn còn nhiều hạn chế

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng cả hệ thống chính trị đã lãnh đạo quyết liệt, thống nhất, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Do đó, kinh tế vẫn duy trì được sự ổn định và có bước phát triển.

“Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt 5,54% (đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên). Cụ thể: Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 10.068 tỷ đồng, đạt 28,15% kế hoạch, tăng 4,78% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 14.103,4 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch, tăng 14,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 46.828 tỷ đồng, đạt 43,36% kế hoạch, tăng 28,32%. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 420 triệu USD, đạt 61,76% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm, tổng số khách tham quan, du lịch ước đạt 620.000 lượt, đạt 56% kế hoạch, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu du lịch ước đạt 395 tỷ đồng, đạt 56,4% kế hoạch, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, song so với kế hoạch đề ra, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên chỉ rõ: Tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm (mới đạt 10,32% kế hoạch); các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm triển khai; thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch; thu ngân sách chỉ đạt 48,7% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các địa phương chậm hoàn thành; công tác cải cách hành chính còn hạn chế (chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 đạt thấp so với với năm 2021); tai nạn giao thông mặc dù giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn xảy ra một số vụ nghiêm trọng; tội phạm hình sự, tội phạm ma túy tăng so với cùng kỳ năm ngoái…

“Các đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian nghiên cứu tài liệu; phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện rõ quan điểm với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau làm cơ sở để HĐND tỉnh xác định đúng chủ trương, quyết định ban hành nghị quyết có tính khả thi cao, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thực tiễn đặt ra và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực vì sự phát triển của tỉnh và đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri tỉnh nhà”-Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Về nguyên nhân kết quả giải ngân đạt thấp, còn nhiều dự án chậm tiến độ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa lý giải: Hiện công tác này còn vướng rất nhiều ở cơ chế, chính sách như quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề giấy phép môi trường. Ngoài ra, việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022, 2023 cũng đã làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán…

“Đối với công trình khởi công mới năm 2023, hầu hết đều đang ở bước triển khai thủ tục đầu tư và ưu tiên vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thi công để giải ngân. Trong đó, đáng chú ý là các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng hồ sơ liên quan đến dự án từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi đấu thầu còn kém, phải làm đi làm lại gây mất nhiều thời gian”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Quan tâm trả lời kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp, đại biểu đã nghe các ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình; đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, cử tri huyện Mang Yang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu để ban hành quyết định điều chỉnh mức thu phí theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16-3-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Trả lời kiến nghị này của cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp thông tin: Qua kiểm tra, Sở Tài chính có ý kiến trước mắt ghi nhận nội dung kiến nghị của cử tri huyện Mang Yang vì kiến nghị của cử tri chưa nêu rõ lý do, căn cứ đề nghị điều chỉnh mức thu phí tại Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND. Thời gian tới, Sở Tài chính sẽ có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND, sự phù hợp mức thu phí với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Ngoài ra, cử tri các huyện Phú Thiện, Krông Pa cho rằng: Sau khi sáp nhập thôn, làng đặc biệt khó khăn vào thôn, làng không thuộc diện đặc biệt khó khăn (theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc chia, nhập để thành lập và đặt tên mới thôn, tổ dân phố; đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh), học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện không còn được miễn, giảm học phí như trước khi sáp nhập, dẫn đến nhiều em phải nghỉ học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm học phí cho toàn bộ học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn để các em có cơ hội đến trường học tập.

“Việc sáp nhập các thôn, làng theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh là thực hiện theo chủ trương chung của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các chính sách, chế độ sau khi sắp xếp thực hiện phù hợp với quy định hiện hành. Hiện nay, đối tượng được miễn, giảm học phí đã được quy định cụ thể tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ; theo đó, không quy định UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết đối với nội dung này nên UBND tỉnh không có cơ sở triển khai thực hiện”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trả lời.

Ngoài ra, một số ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường hành lang điện gió, giá đất cụ thể để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… cũng được lãnh đạo UBND tỉnh giải đáp một cách thấu đáo.

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh xem xét 22 dự thảo nghị quyết quan trọng như: quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; thông qua Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch văn hóa đồi thông kết hợp du lịch sinh thái xã Ia Dêr, huyện Ia Grai và các phường Diên Hồng, Yên Đổ (TP. Pleiku); thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2045; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi… Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Việc bàn và quyết nghị những dự thảo nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính tổng thể và là cơ sở quan trọng trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Chính vì vậy, đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận kỹ lưỡng.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các đại biểu dành thời gian thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, tình hình thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 và dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2023; xem xét, quyết định một số báo cáo quan trọng về: tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tiến độ thực hiện các dự án bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý; về việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; về dự kiến danh mục đầu tư công năm 2024…

“Ngày mai (6-7), kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường; UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ; thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp cụ thể để trong thời gian tới đạt được những kết quả khả quan hơn”-Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XII đối với ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Kết quả, ông Phạm Minh Trung đã trúng cử Ủy viên UBND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ngoài ra, các đại biểu cũng đã biểu quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đối với ông Nguyễn Hồng Hà-nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Sê. Lý do vì ông Nguyễn Hồng Hà được cấp có thẩm quyền giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên

(GLO)- Sáng 14-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã tới thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên

Tuần qua (từ ngày 6 đến 12/1), Thủ tướng Chính phủ có các Quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.