Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Đức Thụy |
Giải trình, làm rõ một số nội dung thảo luận
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận chung tại hội trường là dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 (gọi tắt Nghị quyết 05) của HĐND tỉnh Ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cho thời kỳ 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo Nghị quyết 05, “Ngân sách cấp tỉnh đảm bảo 30%; ngân sách huyện, thị xã, thành phố đảm bảo 70%”. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, việc thu ngân sách các huyện rất khó khăn, khó có thể đảm bảo được 70%, nhất là các địa phương thu ngân sách thấp, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính cân đối tăng tỷ lệ ngân sách tỉnh đảm bảo lên 50%.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính: Định mức phân bổ ngân sách được quy định tại Nghị quyết số 05 cơ bản đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách của tỉnh và ngân sách của từng địa phương. Đồng thời, đảm bảo thực hiện được các chủ trương của Đảng, chế độ chính sách của Nhà nước đã ban hành, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng và quyết định ngân sách của mình, khuyến khích các địa phương tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng ngân sách hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
“Ngân sách tỉnh luôn tạo điều kiện cho các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, tỉnh cũng mong các địa phương, các ngành, các đại biểu chia sẻ với nhiệm vụ chung của tỉnh. Đối với cải cách tiền lương, đề nghị UBND tỉnh xem xét có ý kiến với Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương vì hiện nay các địa phương thu thấp không đủ…”-Giám đốc Sở Tài chính nêu quan điểm.
Giải trình về nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai không đạt các chỉ tiêu trong năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long thông tin: Giá trị sản xuất của ngành chế biến chế tạo và sản xuất điện chiếm hơn 90% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp nên chi phối toàn bộ tốc độ tăng của ngành. Nguyên nhân chính giảm sản lượng là do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,03% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy mặc dù giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,05% vẫn không bù lại được sự giảm của ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 7,03%) và kéo theo toàn bộ ngành công nghiệp giảm 1,14% nên đã ảnh hưởng đến mức tăng GRDP của toàn tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Một số ngành dịch vụ tăng cao về doanh thu và giá trị sản xuất theo giá hiện hành như: bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, nghệ thuật vui chơi và giải trí... có ngành tăng hơn 17%. Tuy nhiên, do chỉ số giảm phát tăng cao trong năm 2023, nên khi chuyển qua giá so sánh mức độ tăng giảm xuống nên khu vực III (dịch vụ) chỉ tăng 5,62% (kế hoạch tăng 7,51%).
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
“Ngoài ra hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư công, các hướng dẫn thực hiện 3 chương trình MTQG còn chồng chéo, bất cập; giải ngân xây dựng cơ bản chậm (đến ngày 6-12-2023 đạt 50%, thấp hơn bình quân cả nước 11%); kế hoạch sử dụng đất một số địa phương chậm hoàn thành; quy hoạch phân khu xây dựng còn chậm; chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, từ những hạn chế, tồn tại trên, UBND tỉnh đã rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian đến. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lựa chọn những điểm nghẽn để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ; chủ động hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện đối với các vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ; giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên ghi nhận và biểu dương những ý kiến tham gia đóng góp đầy trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp thu và có giải pháp, biện pháp khắc phục, giải quyết trong thời gian tới.
Thông qua 28 nghị quyết quan trọng
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhận định: Qua các ý kiến trao đổi tại kỳ họp, UBND tỉnh càng thấy rõ hơn những công việc cần tập trung giải quyết; bổ sung, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Năm 2024 là năm hết sức quan trọng, việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2024 sẽ quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; xác định nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng ngay đầu năm 2024, UBND tỉnh sẽ triển khai giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương trong việc rà soát, tổ chức triển khai thực hiện từng chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long giải trình và nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thụy |
Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau hoa và dược liệu… Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông lâm sản tại các địa phương. Tập trung đưa vào vận hành 962 MW từ các dự án điện gió và Nhà máy thủy điện Ia Ly mở rộng.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để kịp thời giao vốn, đảm bảo triển khai các dự án ngay từ những tháng đầu năm 2024, không để tình trạng chậm phân bổ vốn kéo dài; chủ động rà soát, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm hoặc chưa triển khai sang dự án có khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn để thi công. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, nợ đọng thuế. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm định hướng, xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch; trước mắt là Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch 3 loại rừng; Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku; các quy hoạch vùng; quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch chi tiết; kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, khắc phục triệt để việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất”.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng giải trình nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05. Ảnh: Đức Thụy |
Kỳ họp thứ 15 HĐND khóa XII đã biểu quyết thông qua 28 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên-cho rằng: Kỳ họp đã phân tích, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Qua đó, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành, các cấp về chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung. Đồng thời, kỳ họp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên một số ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp, khả thi, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc nhằm tạo ra đột phá vượt bậc trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024. Đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra”.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Kỳ họp đã có hơn 90 lượt ý kiến thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường, qua đó đại biểu đã biểu quyết và thông qua các nghị quyết trên các lĩnh vực, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện. Các nghị quyết vừa được thông qua có vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý để việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. “Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 nêu rõ: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,6%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.815 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 46.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 123.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 6,11%; GRDP bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 7 xã; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 68,03%; tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) đạt 47,5%; thực hiện quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giảm thiểu tai nạn giao thông trong năm 2024 ở cả 3 tiêu chí…
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị: Năm 2024 là năm có vai trò quyết định, tạo lực để tăng tốc phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh. Tiếp nối truyền thống “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”; phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, với tinh thần “dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, chúng ta tin tưởng Gia Lai sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025”.
Sau 2,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.