Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII: Bàn thảo nhiều vấn đề trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã nghe thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ; các đại biểu tập trung thảo luận chung tại hội trường với nhiều vấn đề trọng tâm.

Qua thảo luận tại 5 tổ đã có 72 lượt ý kiến tham gia vào nội dung các báo cáo và tờ trình tại kỳ họp. Hầu hết đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023 của tỉnh. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu không đạt so với nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực chưa kịp thời; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Quang cảnh buổi thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

“Hầu hết đại biểu đề nghị UBND tỉnh phải đánh giá cụ thể các nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong năm 2023. Trong đó cần chú trọng các nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương; đồng thời, đề nghị bổ sung các giải pháp để triển khai thực hiện tốt hơn trong năm 2024”-đại biểu Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nêu rõ.

Các đại biểu mong muốn UBND tỉnh tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính trong xúc tiến đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác như logistic, phát triển du lịch dưới tán rừng,.... Đặc biệt, UBND tỉnh cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể để tháo gỡ điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án, công trình đầu tư công, công trình có tiến độ giải ngân chậm; nghiên cứu các chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh phân bón giả trên thị trường, tránh việc người dân sử dụng phải phân bón giả gây thiệt hại cho trồng trọt; nghiên cứu, xây dựng chương trình để phân tích, kiểm nghiệm đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pa nhằm lựa chọn giống cây trồng phù hợp để định hướng người dân, nhất là đồng bào DTTS tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiếng DTTS. Ảnh: Đức Thụy

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiếng DTTS. Ảnh: Đức Thụy

Trong phiên thảo luận chung tại hội trường, các đại biểu tiếp tục tham gia thảo luận về các nội dung và tờ trình tại kỳ họp. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cả trong phiên thảo luận tổ cũng như phiên thảo luận chung tại hội trường là 7/21 chỉ tiêu của năm 2023 không đạt.

Đại biểu Nguyễn Minh Trưởng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa đề nghị: “Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Trong đó, UBND tỉnh đã thành lập nhiều tổ để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần có sự quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ; đồng thời, các cấp, các ngành cần có giải pháp riêng để thực hiện, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm”.

Nói về giải pháp trong thời gian tới để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh tăng 8,6%, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-đề xuất: Cần nâng cao chất lượng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, cây ăn quả, hồ tiêu… gắn với các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung tạo điều kiện để sớm đưa vào vận hành các dự án điện gió, điện mặt trời với tổng sản lượng hơn 900 MW. Cùng với đó, đưa vào vận hành dự án mở rộng Thủy điện Ia Ly. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện các cấp độ quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhằm tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư đã “tắc nghẽn” trong 2 năm qua khiến hụt thu nguồn tiền sử dụng đất.

Ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn khiến các dự án đầu tư chậm triển khai. Ảnh: Đức Thụy

Ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn khiến các dự án đầu tư chậm triển khai. Ảnh: Đức Thụy

Bàn về giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Chúng ta cần rút ngắn các quy trình thủ tục triển khai dự án. Do đó, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục ngay sau khi được cấp vốn. Đồng thời, xác định nguồn đất san lấp ngay khi trình hồ sơ thực hiện dự án để chủ động hơn trong triển khai thực hiện. Các sở, ngành liên quan cần có hướng dẫn rõ ràng trình tự thủ tục cho chủ đầu tư trong thực hiện hồ sở, thủ tục, tránh bị trả đi, trả lại nhiều lần. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến các dự án đầu tư chậm triển khai, ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho rằng: Do việc ban hành kế hoạch sử dụng đất của các địa phương rất chậm. Để rút kinh nghiệm những năm trước đây, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở phối hợp với các địa phương đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2024 ngay từ đầu năm. “Hiện Sở đang tập trung thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các địa phương và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Kế hoạch sử dụng đất của các địa phương được ban hành sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các dự án và cũng khắc phục tình trạng hụt thu tiền sử dụng đất trong 2 năm qua”-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đức Thụy

Về kế hoạch dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông, giai đoạn 2021-2030”, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Tỉnh Gia Lai có 2 dân tộc là Jrai và Bahnar có bộ chữ viết ban hành theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai. Việc dạy học tiếng DTTS được đưa vào kế hoạch dạy học chung của các cấp học; các trường triển khai dạy học theo chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Jrai, Bahnar là các giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông hoặc công tác trong ngành giáo dục tại địa phương, được cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng DTTS theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học; thiếu giáo viên dạy tiếng DTTS đạt chuẩn theo quy định. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng dân tộc Jrai và Bahnar. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phát hành, in ấn, cấp phát sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số để tỉnh triển khai thực hiện giảng dạy tiếng Jrai, Bahnar theo quy định.

Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các ngành, địa phương cũng như các vấn đề được cử tri, Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm cũng đã được các đại biểu đề cập và đề xuất các giải pháp để giải quyết trong phần thảo luận chung tại hội trường.

Ngày 8-12, kỳ họp sẽ tiếp tục với phiên thảo luận chung tại hội trường; tiến hành thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn; UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ; HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết và tiến hành bế mạc.

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.