Lơ Pang quyết liệt ngăn chặn nạn tự tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của hệ thống chính trị và người dân, nạn tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã được ngăn chặn hiệu quả.
Xã Lơ Pang có 1.580 hộ với trên 5.000 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số. Là xã vùng III nên đời sống đa số người dân còn nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân do trình độ nhận thức thấp nên khi xảy ra xích mích ngoài xã hội, mâu thuẫn gia đình, bế tắc trong cuộc sống đã nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, tự tìm cái chết để mong sự giải thoát.
Vì vậy, những năm qua, xã Lơ Pang là một trong những “điểm nóng” của huyện Mang Yang về vấn nạn tự tử. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm, trên địa bàn xã xảy ra 3-5 trường hợp tự tử. Riêng năm 2018 có tới 7 trường hợp.
Bà Đinh Thị Lan-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lơ Pang-cho hay: Nguyên nhân dẫn đến tự tử thường vì buồn chuyện gia đình, khó khăn trong cuộc sống. Trước tình trạng tự tử gia tăng, Lơ Pang đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2019, các làng đưa vào hương ước, quy ước nội dung: Đối với các trường hợp tự tử, bên cạnh bị phạt theo quy định thì người làng không đi thăm viếng, giúp đỡ ma chay…
“Đồng bào dân tộc thiểu số sống thiên về cộng đồng, tình làng nghĩa xóm rất cao. Trong làng có ai đau ốm, bệnh tật hay có chuyện xảy ra thì mọi người chung tay chia sẻ, giúp đỡ. Vì vậy, việc những gia đình có người tự tử không ai đến thăm viếng, giúp đỡ, không cồng chiêng đưa tiễn… là sự “trừng phạt”, là bài học cảnh báo nghiêm khắc. Từ năm 2020 trở lại đây, xã chỉ ghi nhận 1 trường hợp tự tử”-bà Lan nói.
Cán bộ địa phương tuyên truyền cho người dân làng Đak Lah-Tơ Drah (xã Lơ Pang) tránh xa nạn tự tử. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ địa phương tuyên truyền cho người dân làng Đak Lah-Tơ Drah (xã Lơ Pang) sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không chạy trốn khó khăn, bế tắc cuộc sống bằng cách tự tử. Ảnh: Như Nguyện
Góp phần ngăn chặn nạn tự tử không thể không kể đến vai trò của các già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng. Lực lượng này chính là những nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Họ kịp thời có mặt, tham gia hòa giải xung đột, mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong tâm lý, tư tưởng người dân, hóa giải mầm mống có thể dẫn đến tự tử.
Ông Pưh-Trưởng thôn Roh-cho biết: “Năm 2020, làng Roh có 1 trường hợp tự tử. Chiếu theo hương ước, quy ước thì dân làng không đi thăm viếng, giúp đỡ; gia đình có người tự tử bị phạt 1 con gà, 1 con dê và 1 con heo cúng nhà rông. Đây là bài học để các gia đình và người dân tránh xa nạn tự tử”. 
Theo ông Pưh, để ngăn chặn vấn nạn tự tử, trong các cuộc họp làng, chính quyền địa phương phối hợp với trưởng thôn, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền người dân sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không chạy trốn khó khăn, bế tắc cuộc sống bằng cách tự tử.
“Ngoài ra, khi trong làng xảy ra các xung đột, mâu thuẫn, trưởng thôn và các đoàn thể nhanh chóng có mặt để hòa giải, không để xảy ra chuyện lớn. Hòa giải kịp thời, giúp mọi người nhận biết cái đúng, cái sai, không còn xích mích, để bụng, từ đó sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc”-ông Pưh nói.
13-4-2021 Ngoài tuyên truyền về vấn nạn tự tử, anh Ayâng- thôn trưởng làng Đak Lah- Tơ Drah (ngoài cùng bên trái) còn tuyên truyền người dân trong làng không tắm sông, hồ, đề phòng tai nạn thương tích. Ảnh Như Nguyện
Ngoài tuyên truyền về vấn nạn tự tử, anh Ayâng-Trưởng thôn Đak Lah-Tơ Drah (bìa trái) còn tuyên truyền trẻ êm trong làng không tắm sông, hồ đề phòng tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện
Nhờ đẩy mạnh thực hiện hương ước, quy ước mà vấn nạn tự tử tại làng Đak Lah-Tơ Drah giảm hẳn. Trưởng thôn Ayâng cho hay: Năm 2018, làng xảy ra 2 vụ tự tử. Để ngăn chặn tình trạng này, năm 2019, làng đẩy mạnh thực hiện hương ước, quy ước, quy định gia đình có người tự tử thì người làng không thăm viếng, không đánh chiêng, thanh niên không giúp lo ma chay… Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, làng không xảy ra sự việc đáng tiếc nào.
Ngăn chặn vấn nạn tự tử trong cộng đồng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Lơ Pang trong thời gian tới. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lơ Pang, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt và rèn luyện kỹ năng sống cho đồng bào thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại, văn hóa, thể thao… Tăng cường các hoạt động tập thể, nâng cao vai trò của ban, ngành, đoàn thể, vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín để tham gia giải tỏa những vướng mắc, xung đột cá nhân kịp thời, không để xảy ra mâu thuẫn cộng đồng, không để nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, bế tắc nơi người dân.
Bên cạnh đó, thường xuyên bổ sung hương ước, quy ước nhằm phát huy tác dụng giáo dục bằng nền nếp qua hệ thống giá trị mà tập thể thôn, làng đã xây dựng. Cùng với đó, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, giúp bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.