Kông Chro quyết tâm bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Kông Chro có 76.694 ha rừng, trong đó có 70.966 ha rừng sản xuất và 5.728 ha rừng phòng hộ. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Lâm phần do xã Đak Song quản lý giáp ranh với huyện Ia Pa và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Những năm qua, UBND xã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với dân quân và Kiểm lâm địa bàn để quản lý, bảo vệ khu vực rừng giáp ranh. Tổ liên ngành của xã cũng phối hợp với Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro tổ chức tuần tra truy quét tại vùng giáp ranh và các điểm nóng. Nhờ đó, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 1 vụ khai thác, 2 vụ vận chuyển gỗ trái phép. Phó Chủ tịch UBND xã Trình Xuân Trường cho hay: “Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, xã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc, khai thác rừng sản xuất và giao khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao thu nhập”.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro phối hợp với Công an xã tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Minh
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro phối hợp với Công an xã tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Minh
Tại Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông Chro, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty phối hợp chặt chẽ với Kiểm lâm địa bàn và Công an xã tuần tra, bám nắm địa bàn, kiểm soát người và phương tiện ra vào rừng; trực 24/24 giờ tại các trạm chốt. Công ty thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét theo kế hoạch hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và đột xuất để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp khác trên địa bàn quản lý. “Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên lâm phần đơn vị quản lý không có vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đáng kể nào xảy ra”-Giám đốc Công ty Từ Tấn Lộc cho biết.
Theo ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, việc bảo vệ rừng đạt kết quả là có sự phối hợp đồng bộ giữa 4 lực lượng gồm: Kiểm lâm, Công an, dân quân xã và nhân viên bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm chỉ đạo tổ cơ động phối hợp với các tổ liên ngành cấp xã, lực lượng bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp tổ chức tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra trên các tuyến giao thông cũng như tại Trạm Kiểm lâm cửa rừng Đak Pơ Kơ nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép.
Hạt Kiểm huyện Kông Chro thu giữ tang vật vi phạm lâm luật. Ảnh Ngọc Minh
Hạt Kiểm huyện Kông Chro thu giữ tang vật vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ảnh: Ngọc Minh
Trong 6 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng của huyện phát hiện và bắt giữ 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 30 vụ vi phạm hành chính, 1 vụ vận chuyển và 1 vụ khai thác lâm sản trái phép. Tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 25,62 m3 gỗ, 4 chiếc xe máy, 1 cưa máy và 1 xuồng máy; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 465,8 triệu đồng. “Mặc dù số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm trước nhưng chủ yếu là vi phạm hành chính, số lượng tang vật, phương tiện thu giữ giảm so với 6 tháng đầu năm 2020”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro nói.
Trao đổi với P.V, ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Ủy ban nhân dân huyện cũng ban hành nhiều văn bản để tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ  rừng. “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Nghị quyết và các văn bản pháp luật về công tác bảo vệ rừng. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở và các khu vực trọng điểm. Đồng thời, tạo sinh kế để người dân không phá rừng mà chung tay bảo vệ rừng tận gốc”-ông Nam nhấn mạnh.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.