Khó khăn bủa vây làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc sống khó khăn, vất vả vẫn bủa vây người dân 3 làng tái định cư ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) trong gần 3 thập kỷ qua. Lời hứa từ phía Công ty Thủy điện Ia Ly mới đây đã thắp lên hy vọng vào sự đổi thay trong tương lai.

Gần trưa, nắng oi ả nhưng cha con ông Rơ Châm A Nhih (làng Kênh) vẫn miệt mài cạo vỏ bời lời dưới bóng cây ven đường. Giọng buồn buồn, ông A Nhih chia sẻ: “Năm 1996, dân làng dời đến đây để nhường đất xây dựng thủy điện Ia Ly. Lúc còn ở chỗ cũ, nhà tôi có 1,1 ha lúa nước. Gia đình có 2 vợ chồng và 1 đứa con nên cuộc sống cũng tạm ổn định. Nhưng khi chuyển ra ngoài này, đất sản xuất không có, tôi phải đi làm thuê làm mướn.

Ở đây, bà con ai cũng khó khăn, công việc để làm thuê không nhiều, cố gắng lắm mới có thể sống được qua ngày”.

Không có đất sản xuất, ông Rơ Châm A Nhih (làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: H.D

Không có đất sản xuất, ông Rơ Châm A Nhih (làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: H.D

Được biết, khi di dời đến nơi ở mới, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân. Nhà nào có 4-5 khẩu được cấp 1 ha đất, nhà có 1-2 khẩu được cấp 5 sào để canh tác. Nhưng khi mới tới đây, làng có gần 80 hộ thì hiện nay đã tăng lên 159 hộ với gần 700 khẩu, 100% là người Jrai. Đất chật, người đông nên cuộc sống rơi vào khó khăn.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, bà con còn phải đối mặt với cảnh thiếu nước, trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Cây cối mọc lên một cách vàng vọt, èo uột. Ông Rơ Châm Quyn-Trưởng thôn Kênh-cho biết: “Dân làng chủ yếu là trồng mì, cà phê, cao su... nhưng thiếu nước tưới. Từ trung tâm làng đến nơi có nước tại khu vực lòng hồ, đoạn gần nhất cũng cách khoảng 300-400 m. Còn nước từ con suối nhỏ trong làng không đáng kể, bắt đầu vào mùa khô là đã cạn kiệt, không đủ tưới cho những rẫy cà phê nằm sát bờ suối. Hiện làng còn 39 hộ nghèo và 60 hộ cận nghèo”.

Không chỉ vậy, nhà cửa của bà con phần lớn đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí có nhà không thể ở. Chị Rơ Châm Duyên (làng Kênh) cho hay: “Khi chuyển đến đây, bố mẹ tôi được Nhà nước hỗ trợ làm nhà tái định cư. Căn nhà lúc đó rất đẹp, khang trang, nhưng gần 30 năm rồi nên giờ xuống cấp. Cột bị nứt gãy, mái ngói vỡ nát, tường cũng nứt vỡ hết, ván sàn nhà và lan can bị mục... Lo sợ nguy hiểm nên mẹ đã chuyển đến sống cùng tôi khá lâu rồi”.

Căn nhà xây cho những người dân các làng tái định cư bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể ở được. Ảnh: Hà Duy

Căn nhà xây cho những người dân các làng tái định cư bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể ở được. Ảnh: Hà Duy

Trưởng thôn Kênh cho biết thêm: “Làng có hơn 60 ngôi nhà bị xuống cấp như vậy. Trước đó thì nhiều hơn, nhưng một số bà con chủ động sửa chữa. Do đời sống khó khăn quá nên làng cũng nhiều lần đề nghị cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con. Dù phản ánh nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa được phản hồi”.

Không chỉ làng Kênh mà làng Tum, làng Jút cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Rơ Châm Thuyn-Trưởng thôn Tum-cho hay: “Mặc dù những năm qua, làng vẫn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay những đợt tặng quà của các nhà hảo tâm nhưng cũng chỉ là hỗ trợ mang tính thời điểm chứ chưa thể giúp dân thoát nghèo”.

Theo ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: 3 làng tái định cư (Kênh, Tum và Jut) có 344 hộ dân với hơn 1.400 khẩu, trong đó có 77 hộ nghèo, chiếm 22,3%; 119 hộ cận nghèo, chiếm 34,5%.

Mặc dù địa phương dành nhiều nguồn lực cho 3 làng, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ chăn nuôi bò, phát triển cao su, cà phê, cây sầu riêng..., song do tập quán canh tác chưa có nhiều thay đổi cũng như ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt khiến đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, mới đây, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh đề nghị Công ty Thủy điện Ia Ly hỗ trợ cho bà con của 3 làng tái định cư này. Ông Nay Kiên cho rằng: “Nhờ sự đồng thuận, di dời về nơi ở mới của người dân 3 làng thì công trình thủy điện Ia Ly mới triển khai thuận lợi. Hiện nay, đời sống của bà con đang gặp quá nhiều khó khăn nên huyện mong Công ty có những hỗ trợ thiết thực để giúp bà con có đời sống ổn định”.

Nói về điều này, ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-cho biết: “Chúng tôi luôn xác định việc tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian vừa qua, hoạt động của Công ty cũng có nhiều khó khăn nên cũng chưa thực hiện sâu sát. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn trong tương lai.

Đối với đề nghị của huyện về hỗ trợ cho người dân 3 làng tái định cư, tôi đề nghị huyện, tỉnh có văn bản đề nghị để chúng tôi có cơ sở báo cáo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ đó sẽ có kế hoạch hỗ trợ một cách cụ thể hơn”.

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo chợ chiều Pleiku

Độc đáo chợ chiều Pleiku

(GLO)- Tuy chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ, nhưng những phiên chợ chiều trên phố núi Pleiku vẫn đông đúc kẻ bán, người mua. Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi để những ai khi đến mua sắm hiểu hơn về văn hóa và cư dân của vùng đất cao nguyên này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế kiểm tra tiến độ thi công đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa

Gia Lai tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc các dự án trọng điểm

(GLO)- Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm là yêu cầu cấp bách đang được lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo quyết liệt. Với quyết tâm cao, các sở, ngành và địa phương đang nỗ lực đưa các dự án về đích theo kế hoạch.

Sau buổi phát động, người dân làng làng Đăk Hlá-Tơ Drăh đã ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường và khu vực công cộng. Ảnh: Nhật Hào

Mang Yang: Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo vệ môi trường

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian gần đây, người dân ở nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang đã có ý thức tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa và cây xanh tại các khu vực công cộng để góp phần cải thiện cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Gia Lai: Bảo đảm 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội kịp thời

Gia Lai: Bảo đảm 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội kịp thời

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng-chống tệ nạn xã hội năm 2025.

Hành trình mới từ dòng vốn nhỏ

Hành trình mới từ dòng vốn nhỏ

(GLO)- Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai được thành lập ngày 25-4-2015. Nhờ vốn vay từ nguồn quỹ này, toàn tỉnh có 425 hộ gia đình thoát nghèo. Nguồn quỹ đã tiếp thêm niềm tin và hy vọng thoát nghèo cho nhiều phụ nữ.

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang. Ảnh: An Phát

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hiện có 76 người có uy tín. Nhiều năm qua, đội ngũ người có uy tín trở thành "những cánh chim đầu đàn" trong các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt sứ mệnh tập hợp đoàn kết nhân dân chung tay xây dựng buôn làng ngày càng phát triển.