Kết nối rừng xanh-biển bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) năm 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 16-7 tại TP. Tuy Hòa với nhiều hoạt động hấp dẫn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách gần xa. Đồng thời, ngày hội đã mở ra cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch kết nối, liên kết phát triển du lịch.

Giao lưu văn hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Trong khuôn khổ ngày hội, tại khu vực Quảng trường 1-4 (TP. Tuy Hòa) đã diễn ra Hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu và sản phẩm OCOP. Hội chợ thu hút 70 gian hàng của các thành phố ở Tây Nguyên và Phú Yên tham gia. Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các địa phương quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Lãnh đạo 5 thành phố: Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa và Tuy Hòa ký kết hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Lãnh đạo 5 thành phố: Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa và Tuy Hòa ký kết hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế Trung Thịnh Phát (TP. Pleiku) đã đem đến hội chợ những mặt hàng hỗ trợ sức khỏe như: viên cà gai leo, viên uống mật nhân, viên giảo cổ lam… để quảng bá, giới thiệu. Không khỏi bất ngờ trước sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, ông Trịnh Hùng-Phó Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Lần đầu tiên chúng tôi mang sản phẩm tới quảng bá tại một ngày hội kết nối du lịch đặc biệt như thế này. Tôi hy vọng qua hoạt động này, sản phẩm của đơn vị sẽ được nhiều người biết đến và có cơ hội vươn xa hơn trong thời gian tới”.

Với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, chương trình kết nối tạo cơ hội để các bên gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ. Ông Lê Hữu Hùng-Chủ gian hàng của TP. Tuy Hòa-cho hay: “Lần đầu tiên chúng tôi tham gia sự kiện kết nối du lịch giữa Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên. Chúng tôi mang tới đây những đặc sản của miền biển để giới thiệu đến mọi người. Tôi thấy đây là cơ hội lớn về giao thương sản phẩm vùng miền, là sân chơi để các nhà sản xuất được gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm, phương thức tiêu thụ. Hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm sẽ cao hơn sau sự kiện này”.

Hội chợ cũng đã giúp người dân được tiếp cận các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Ông Bùi Cường (phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa) cho rằng: “Ngoài các sản phẩm đặc trưng của vùng biển thì các gian hàng của một số thành phố ở Tây Nguyên với nhiều đặc sản như: cà phê, dược liệu, mật ong… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Việc tổ chức hội chợ như thế này giúp người dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền”.

Bên cạnh hội chợ, chương trình giao lưu văn hóa-âm vang cồng chiêng Tây Nguyên cũng để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân Tuy Hòa và du khách. Hai vùng đất có những đặc trưng khác nhau, một bên là núi rừng, một bên là biển, nhưng đều có điểm chung đó là nền văn hóa vô cùng phong phú, đầy tiềm năng du lịch. Đây là nhân tố quan trọng để TP. Tuy Hòa và các thành phố ở Tây Nguyên đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương.

Say sưa với bài chiêng “Mừng lúa mới”, anh Puih Bơn (đội cồng chiêng làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) rất phấn khởi khi thanh âm của đại ngàn được vang lên giữa miền biển Tuy Hòa. Anh chia sẻ: “Chúng tôi dành nhiều thời gian tập luyện để đem đến màn trình diễn hay nhất trước du khách Phố biển. Mỗi buổi chiều ở Quảng trường 1-4, đội cồng chiêng gồm 40 người của chúng tôi lại tái hiện một không gian văn hóa cồng chiêng cho mọi người chiêm ngưỡng. Điều đó khiến chúng tôi rất tự hào”.

Tham gia chương trình, những bài chiêng của đội chiêng “nhí” làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách. Bài chiêng, vòng xoang của các em vừa dứt, du khách đã tập trung xung quanh chụp ảnh lưu niệm và tìm hiểu về văn hóa Jrai. “Du khách xem chúng em biểu diễn rất đông. Em rất vui vì mình đã góp phần quảng bá được văn hóa truyền thống của dân tộc đến với mọi người”-em H'Trúc cho hay.

Màn trình diễn của đội chiêng “nhí” làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tại Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với TP. Tuy Hòa để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Ảnh: Trần Dung

Màn trình diễn của đội chiêng “nhí” làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tại Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với TP. Tuy Hòa để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Ảnh: Trần Dung

Cùng với âm thanh mạnh mẽ của cồng chiêng Tây Nguyên, tiếng đàn đá réo rắt, trong trẻo của các nghệ nhân tỉnh Phú Yên cũng giúp ngày hội thêm đa sắc. Nghệ nhân Bùi Thị Bé Tiền vui vẻ nói: “Du khách thích thú bởi tính độc đáo của loại nhạc cụ bằng đá này. Tôi rất vui và tự hào khi được biểu diễn, giao lưu cùng mọi người”.

Sau khi chiêm ngưỡng màn trình diễn cồng chiêng và đàn đá, du khách đã được tham quan, thưởng thức nhiều món ăn do các đầu bếp chế biến, qua đó cảm nhận rõ hơn sự tinh túy và đa dạng trong văn hóa ẩm thực các vùng miền. Món ăn thơm ngon hòa cùng âm thanh cồng chiêng ngân vang và nhịp xoang nối dài uyển chuyển làm cho không khí của ngày hội thêm thú vị, khó quên.

Tiếng đàn đá réo rắt, trong trẻo của nghệ nhân đàn đá Núi Nhạn-Phú Yên khiến ngày hội thêm đa sắc. Ảnh: Trần Dung

Tiếng đàn đá réo rắt, trong trẻo của nghệ nhân đàn đá Núi Nhạn-Phú Yên khiến ngày hội thêm đa sắc. Ảnh: Trần Dung

Tìm giải pháp kết nối rừng xanh-biển bạc

Trong khuôn khổ Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với TP. Tuy Hòa, sáng 15-7 đã diễn ra Hội nghị xúc tiến phát triển du lịch. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch của các địa phương.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nhấn mạnh: Sau 1 năm ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên, du lịch các địa phương ở Tây Nguyên đã đạt được những kết quả rất khả quan như lượng du khách tăng cao, hình ảnh phố núi Pleiku và các thành phố được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, du lịch của các thành phố ở Tây Nguyên (trừ Đà Lạt) vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thông qua hội nghị lần này, TP. Pleiku mong muốn cùng các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch; tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp liên kết du lịch của 5 thành phố. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương phát triển cũng như tạo điều kiện gắn kết trong hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch ở 5 thành phố.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế Trung Thịnh Phát (TP. Pleiku) đã đem đến Ngày hội những mặt hàng hỗ trợ sức khỏe. Ảnh: Trần Dung

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế Trung Thịnh Phát (TP. Pleiku) đã đem đến Ngày hội những mặt hàng hỗ trợ sức khỏe. Ảnh: Trần Dung

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định việc liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch luân phiên là giải pháp cần thiết nhằm tạo nên sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng phục vụ du khách. Mỗi địa phương và các doanh nghiệp bản địa sẽ phát huy thế mạnh, bản sắc đặc trưng của mình, bổ sung sản phẩm du lịch mà các địa phương khác không có.

Ông Hồ Sỹ Tiến-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên-cho rằng: Việc các thành phố ở Tây Nguyên và TP. Tuy Hòa phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch như thế này là rất cần thiết. Mỗi địa phương có một thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng. Chính vì vậy, những đợt xúc tiến du lịch như thế này sẽ tạo cầu nối, giúp doanh nghiệp của các địa phương liên kết với nhau để phát huy thế mạnh du lịch của từng thành phố.

“Đề nghị lãnh đạo 5 thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ hơn để thu hút du khách thập phương. Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ đêm, không chỉ giới thiệu các món ẩm thực, sản phẩm quà lưu niệm mà cần quan tâm đến không gian văn hóa đặc trưng của địa phương để níu kéo du khách”-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên đề nghị.

Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên thu hút đông đảo người dân phố biển Tuy Hòa đến trải nghiệm. Ảnh: M.Thi

Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên thu hút đông đảo người dân phố biển Tuy Hòa đến trải nghiệm. Ảnh: M.Thi

Còn bà Trương Thị Phương Nga (Công ty TNHH Thương mại-Du lịch sinh thái Gia Lai) cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị sẽ có những liên kết, kết nối thật sự giữa các địa phương để gắn liền con đường rừng xanh-biển bạc. Để giấc mơ trở thành hiện thực, tôi mong muốn Hiệp hội Du lịch các tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương cần quan tâm làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp du lịch thông qua nhóm Zalo để cùng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình. Chẳng hạn như vào những tháng mùa hè, chúng tôi có thể kết nối các tour du lịch từ các tỉnh Tây Nguyên xuống phố biển Tuy Hòa; ngược lại, khách từ các tỉnh miền Trung và TP. Tuy Hòa đến Tây Nguyên để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, Pleiku đang xây dựng, hướng đến thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” sẽ là điểm đến thú vị cho du khách ở vùng biển như Tuy Hòa”.

Còn ông Cao Đình Huy-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa thì khẳng định: “Mỗi thành phố đều có thế mạnh riêng của mình, việc chúng ta kết nối, cùng nhau hợp tác tạo nên ngành du lịch phát triển bền vững, có sự liên kết vùng. Qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị xúc tiến du lịch hôm nay, chúng tôi sẽ rà soát lại, đánh giá lại hoạt động du lịch của địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch Tuy Hòa có thể kết nối, hợp tác với doanh nghiệp của các thành phố ở Tây Nguyên nhằm khai thác có hiệu quả hoạt động du lịch”.

Có thể bạn quan tâm