Gia Lai: Hướng dẫn tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 4-7, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai có Công văn số 1186/SLĐTBXH-CSLĐ về việc đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh; các sở, ban, ngành; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, từ ngày 1-7-2022, thực hiện mức lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng trên địa bàn tỉnh như sau: vùng III từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu giờ quy định: vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động, Công đoàn và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương và trả lương cho người lao động, trong đó: Mức lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng; mức lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Đối với người lao động đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì áp dụng theo điểm a và điểm b, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, Công đoàn cơ sở giải quyết các vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại các mức lương trong thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Trường hợp phát hiện nội dung không đúng quy định thì phải có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định của pháp luật lao động; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trong các hoạt động đối thoại, thương lượng, đặc biệt là thương lương tập thể để thỏa thuận về tiền lương; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh tại các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

Về trách nhiệm, người sử dụng lao động soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
 

HÀ SỰ

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).