Cụ thể, theo Quyết định số 1739/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, có 30 tỉnh được hỗ trợ với tổng kinh phí 4.500 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Gia Lai được hỗ trợ 150 tỷ đồng.
Một số hạ tầng cơ sở thiết yếu bị thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ khắc phục trong thời gian tới. Ảnh: Quang Tấn |
Theo quyết định, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về phạm vi, đối tượng hỗ trợ, điều kiện sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và các nội dung, số liệu báo cáo đề xuất, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh bố trí vốn được bổ sung nêu trên đúng mục đích, đúng phạm vi, đối tượng, đúng quy định của pháp luật về phòng-chống thiên tai, về ngân sách Nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan đối với công tác khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, sạt lở có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải, manh mún.
Cùng với đó, các địa phương quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ đúng quy định, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo kết quả phân bổ vốn và việc triển khai thực hiện về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT sau 30 ngày kể từ ngày có quyết định này.
Ngoài ra, UBND các tỉnh tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung nêu trên chậm nhất đến ngày 31-12-2024 theo đúng quy định pháp luật. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng-chống thiên tai, ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.