Gia Lai đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 2-7, toàn quốc ghi nhận 41 ca tử vong do bệnh dại; trong đó, Gia Lai ghi nhận 8 trường hợp, đứng đầu cả nước. Đa phần các trường hợp tử vong do bệnh dại tại Gia Lai là do sau khi bị chó cắn không đi tiêm phòng.

Được biết, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 210.000 con, số hộ nuôi chó khoảng 120.000 hộ, chiếm khoảng 32% số hộ dân trên toàn tỉnh, hình thức nuôi chủ yếu là thả rông. Công tác quản lý đàn chó của chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng đàn chó được tiêm phòng đạt thấp so với bình quân chung cả nước. Hàng năm tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó chỉ đạt khoảng 5% so với tổng đàn.

Tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 210.000 con nhưng chỉ có khoảng 5% được tiêm vắc xin dại. Ảnh: Như Nguyện

Tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 210.000 con nhưng chỉ có khoảng 5% được tiêm vắc xin dại. Ảnh: Như Nguyện

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành “Chương trình hành động khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh”. Chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng-chống, kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, tiến tới loại trừ bệnh dại trên động vật và người vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Theo đó, chương trình với các mục tiêu cụ thể: Quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025; trên 90% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030; cơ bản giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2030.

Đồng thời, tỉnh phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm tiêm vắc xin phòng dại, truyền thông nguy cơ về bệnh dại ở cộng đồng và trường học. Đối tượng phơi nhiễm vi rút dại được tiêm vắc xin theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng-chống bệnh dại. Ổ dịch dại từ động vật lây sang người được phát hiện sớm, điều tra và xử lý đúng quy định. Phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm