Đồng bào Tây Nguyên sống hòa hợp với rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ xa xưa, đồng bào Tây Nguyên rất yêu núi rừng và sống gắn bó với đại ngàn hùng vĩ. Họ sống hòa hợp với rừng, trân quý rừng, kính trọng rừng.
Xưa kia, đồng bào Tây Nguyên đi vào rừng thì kiêng nói tục. Bà con quan niệm, đi săn nói tục sẽ không bắt được thú. Đi đào củ mài nói tục sẽ không gặp được củ to hoặc chỉ có những củ mài ở rất sâu, đào bới vất vả. Thậm chí để vào rừng săn bắt, người ta phải im lặng đến 3 ngày, gọi là “ngày không nói”. Họ coi rừng là thần, rừng có thần. Muốn chặt một gốc cổ thụ trong rừng thì cúng bái để xin, có vùng người ta phải đổ máu chó lên gốc cây để thần bỏ đi rồi mới hạ. Họ sợ thần đau, sợ thần giận quở phạt.
Về mưu sinh trồng trọt nương rẫy, người Tây Nguyên xưa chỉ mượn đất của rừng vừa đủ cái ăn, không phí phạm, không quá tham lam lãng phí tài nguyên, phá phách rừng cây vô độ. Khi phát một đám rẫy, dân làng chủ yếu chỉ dọn những cây nhỏ, đám thực bì, ít phạm vào những cây to. Chặt xong, khô thì đốt, không đào tận gốc trốc tận rễ theo kiểu khai thác trắng cơ giới tận diệt. Đất rẫy canh tác theo lối “phát-đốt-chọc-tỉa”, không bị cuốc vỡ, cấu tượng đất không thay đổi, hệ rễ cây vẫn tồn tại chằng chịt ở tầng sâu, giúp cho đất không bị rửa trôi, không bị thoái hóa. Những mùa sau, gốc cây, rễ cây sẽ phát mầm. Khi không canh tác nữa, trả lại đất cho rừng, mầm cây sẽ lớn lên tái tạo rừng mới, rừng non.
Đốt rừng cũng là một kỹ thuật, thậm chí là nghệ thuật, một động thái rất có kỷ luật. Những đám rẫy gần nhau sẽ đồng loạt đốt, cùng cử người canh khống chế đám lửa, sao cho không lan rộng, không gây nạn cháy rừng vượt tầm kiểm soát, tạo ra sự cháy theo ý đồ.
Trong sinh học, có những loại hạt cây rừng chỉ mọc mầm được khi có độ nóng làm phân hủy lớp kitin ở vỏ hạt. Đốt rẫy là một xúc tác giúp những hạt cây ấy dễ mọc mầm sớm (nếu phân hủy tự nhiên, lớp vỏ phải mất hàng chục năm phơi qua mưa nắng). Việc đốt rừng còn mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình canh tác. Đó là làm chuyển hóa nhanh lá khô cành mục, cỏ rác thành tro than cung cấp khoáng chất ka li, phốt pho... cho đất. Đốt rừng diệt sạch mầm cỏ dại và côn trùng gây hại gây bệnh cho thực vật.
Đời sống người Tây Nguyên gắn với rừng rẫy cả ngàn năm một cách bền vững trước khi tiếp cận với nền văn minh hiện đại. Tuy nhiên, ngày nay do nhiều nguyên nhân từ chiến tranh tàn phá, khai thác cơ giới, khai hoang cơ giới, canh tác nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn sản lượng nhiều... quỹ rừng đã trở nên cạn kiệt. Cùng với những giống cây trồng mới năng suất cao, những tiến bộ về thủy lợi... Nhà nước đã nghiêm cấm đốt, phá rừng làm nương rẫy nhằm bảo vệ rừng, tái tạo rừng như một động thái vá lành tự nhiên. Rừng đã khác, phương thức canh tác đã khác, người Tây Nguyên đã dần bước trên con đường thâm canh có đầu tư, có tác động nhiều vào đất. Điều bất ngờ là họ đã thích ứng khá nhanh, thay đổi khá nhanh phương thức canh tác cổ truyền ngàn năm tưởng bất di bất dịch để thích ứng với đời sống hiện đại.
Như vậy, người Tây Nguyên từ trong bản chất không phải là kẻ phá rừng, đốt rừng vô ý thức như cách nghĩ và cái nhìn ít biện chứng.
Đồng bào Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng trước nhà rông của làng. Ảnh: N.L.V.Q
Đồng bào Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng trước nhà rông của làng. Ảnh: N.L.V.Q
Việc canh tác dựa vào thiên nhiên một cách hài hòa là lối trồng trọt bền vững, hữu cơ trong lành. Người Tây Nguyên từ lâu đời cùng với việc phát nương làm rẫy là đã hình thành một phương pháp canh tác “luân canh bỏ hóa tự nhiên”. Là có chu kỳ thay đổi để cho đất nghỉ, cho rừng tái sinh, dinh dưỡng màu đất hồi phục. Một lối canh tác quay vòng, hoàn toàn khác với kiểu quảng canh tràn lan bóc lột tài nguyên đất để sản xuất nông sản hàng hóa ồ ạt. Cũng không phải lối du canh như người du mục (chăn nuôi gia súc đồng cỏ), nay đây mai đó. Việc canh tác của người Tây Nguyên là một chu kỳ vòng tròn, có sự quay trở lại trên từng mảnh đất. Như vậy, đó không phải lối du canh bất định, vô tổ chức.
Việc cư trú của người Tây Nguyên xưa luôn đảm bảo hai yếu tố cơ bản là cao ráo sạch sẽ và gần nguồn nước. Làng của người Tây Nguyên vì vậy đa phần thường quần tụ trên những lưng đồi quang đãng cạnh suối. Những ngôi nhà sàn xúm xít bên nhau. Hễ còn chỗ trống thì làm nhà, không có ranh giới rõ ràng giữa các ngôi nhà, các hộ. Họ chưa có khái niệm sở hữu những đám thổ cư vuông thành sắc cạnh cụ thể. Đó là sự cố kết cộng đồng thuận lợi cho sinh hoạt, tạo sự ấm cúng gần gũi. Làng như một cơ thể thống nhất hữu cơ.
Trong làng của người Tây Nguyên xưa thường trống trơ, nắng gió chói chang. Họ không làm vườn trong làng vì mấy nhẽ: ở chật không đủ đất, bị gia súc phá, sợ rậm rạp. Sự quang đãng của làng giúp phòng trừ muỗi mòng dịch bệnh, đề phòng thú dữ và kẻ địch. Cũng vì vậy, vườn của người Tây Nguyên luôn tọa lạc bên các con suối, gần rẫy rừng. Ở đó có đủ các loại rau như: cà đắng, lá mì, bầu bí... Thường ngày đi làm rẫy, người phụ nữ hái luôn nắm rau buổi chiều đưa về nhà nấu món ăn.
Hồi trước khi vào các làng cổ của người Tây Nguyên, chẳng thấy cây cối gì, đất chỉ để trống, nhiều người ngộ nhận họ ít chăm chỉ, không biết làm vườn, lãng phí đất, để trơ hoang mà không tiếc. Đó quả là sự hiểu nhầm nữa.
Cũng vì thế, trong đời sống tự hình thành một khái niệm người Tây Nguyên du canh du cư. Khái niệm này cũng không hoàn toàn đúng với nghĩa du cư của người chăn nuôi du mục lang bạt không quê hương xứ sở, ở trong các lều bạt tạm thời, khi đồng hết cỏ lại nhổ lều lùa gia súc đi sang vùng khác như cư dân Trung Á trước đây. Sự thật người Tây Nguyên chỉ du cư bất đắc dĩ khi gặp giặc dã, bị đại dịch, bị hỏa hoạn lớn cho là đất dữ hoặc gặp điềm không lành.
Cái từ định canh định cư vì vậy có lẽ chỉ đúng một nửa. Việc bố trí lại dân cư theo lối ở thưa ra, cấp cho mỗi hộ dân mấy ngàn mét vuông thổ cư để làm nhà làm vườn, gọi đúng là tái định cư hoặc giãn dân tách hộ. Chương trình này trên thực tế khá thành công, góp phần hình thành những vườn hộ gắn với nhà ở riêng biệt, tạo nguồn thu nhập khá lớn cho người dân bản địa như vườn cà phê, vườn cây ăn quả, vườn bời lời đỏ... 
Một điều nữa, thanh niên nam nữ Tây Nguyên sống tự do cởi mở gần gũi và rất tình cảm với nhau. Làng Tây Nguyên lại luôn có nhiều lễ hội thâu đêm giữa rừng khuya hoang lạnh, nam nữ cầm tay nhảy múa lưu luyến. Điều đó nhìn bề ngoài, nhiều người lầm tưởng họ dễ dãi phóng túng trong quan hệ luyến ái tính dục ở tuổi trẻ. Quả thực, tuy quan hệ nam nữ khác giới thân gần hòa nhã nhưng lại rất nghiêm khắc. Thân mật ân tình nhưng không hoang đàng bừa bãi. Mọi quan hệ thanh niên nam nữ hoàn toàn vui vẻ và trong sáng. Họ không dám vượt quá giới hạn theo quy định của luật tục vì rất sợ hậu quả từ thần linh cũng như làng phạt.
Đó là những nét đẹp của người Tây Nguyên ẩn chứa bên trong hình thái tự nhiên mộc mạc mà mới nhìn người ta rất dễ ngộ nhận.
NHÂN SƠN
 
 

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Từ sáng sớm ngày 2-11, nhiều du khách gần xa đã có mặt tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai) để đón xem Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh năm 2024. Không khí "trẩy hội" nơi biên giới vô cùng rộn ràng, náo nhiệt. Dưới đây là một số hình ảnh P.V Báo Gia Lai ghi nhận được.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.