Ông Rơ Mah The-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pong (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Dù ở cao nguyên Gia Lai nhưng chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ rằng mình là con cháu Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ là dịp để chúng tôi tuyên truyền cho con cháu về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, nhắc nhở thế hệ trẻ không quên cội nguồn; về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ”.

Ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho biết: Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào ngày thứ hai nên người dân các làng trong xã sẽ tập trung về nhà sinh hoạt cộng đồng để tổ chức trước 1 ngày (vào chủ nhật). Già làng, người có uy tín sẽ kể cho mọi người nghe về sự tích Vua Hùng dựng nước và khẳng định về nhiệm vụ giữ nước của thế hệ chúng ta. Muốn giữ nước thì người dân phải cố gắng chăm chỉ lao động để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Phát huy truyền thống xã anh hùng, người dân Ia Dơk luôn nỗ lực vươn lên, áp dụng những mô hình hay, cách làm mới trong sản xuất để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 40 triệu đồng/năm.
Tương tự, người dân làng Sao Đúp (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như: khơi thông kênh mương, cúng bến nước, trình diễn cồng chiêng... gửi gắm ước mong về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Ksor Quân-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sao Đúp-cho hay: Với tinh thần là con cháu đất Việt, bà con Jrai trong làng vẫn luôn coi Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị những ché rượu cần thơm ngon nhất, nướng gà, cơm lam rồi tập trung ở nhà rông để cùng chung vui. Những bài cồng chiêng sau đó được dân làng tấu lên, hòa cùng điệu xoang uyển chuyển tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày Giỗ Tổ.

Năm nay, người Bahnar làng Đak Asêl (xã Sơn Lang, huyện Kbang) đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng về Quốc Tổ từ khá sớm. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Văn Quý hào hứng cho biết: Đúng ngày Giỗ Tổ, dân làng cùng tụ họp tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Già làng Đinh Hmunh được giao nhiệm vụ kể những câu chuyện về cội nguồn dân tộc và nhắc lại công lao dựng nước của các Vua Hùng. Cùng với đó, bà con còn chuẩn bị một số món ăn truyền thống như: cơm lam, thịt nướng, rượu cần để cùng nhau thưởng thức, thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn tổ tiên.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo-nhấn mạnh: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng. “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Những câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ hàng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim người con đất Việt dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn chung một niềm tin hướng về đất Tổ với lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, sống và làm việc có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
“Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc cả nước. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai, Bahnar nói riêng đã hưởng ứng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần tôn vinh ngày Quốc Tổ-biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc”-ông Thạch nhấn mạnh.

Thời tiết dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thế nào?
