Gắn bó với ngôi làng có đến 146 hộ dân tộc Bahnar trong tổng số 223 hộ dân từ năm 1982, ông Trần Thanh Vượng-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh kiêm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng-nhớ lại: “Sau khi nghỉ hưu tại Công ty Lâm nghiệp Krông Pa, tôi về đây sinh sống. Trước đây, giao thông chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp; nhà sàn thì trên người ở, dưới gầm nhốt gia súc. Bà con canh tác lúa rẫy, mì, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, do đó, đời sống còn nhiều khó khăn. Bây giờ, đời sống, diện mạo của làng đã khác rồi”.
Nói rồi, ông Vượng cùng chúng tôi dạo một vòng quanh làng. Chỉ tay về phía những ngôi nhà xây khang trang, vườn cà phê đang nở bông trắng muốt, xen với mắc ca trĩu quả, ông Vượng phấn khởi chia sẻ: Tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án đầu tư. Đường sá đi lại ngày càng thuận lợi. Hệ thống điện chiếu sáng kéo đến từng hộ dân; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; nước sạch dẫn về tận làng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.
Trước kia, khi trong làng có đám cưới, đám tang, bà con thường tập trung ăn uống kéo dài 3-4 ngày, rất tốn kém, nhưng hiện nay chỉ gói gọn trong 1 ngày. Nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Từ việc chỉ trồng lúa rẫy, trồng mì, dân làng Đak Bok đã tận dụng diện tích đất trũng để trồng lúa nước. Đối với diện tích đất đồi dốc, bà con trồng các loại cây ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày.
Theo thống kê, làng có 671 ha đất sản xuất. Trong đó, 20 ha lúa nước và lúa rẫy, 40 ha bắp, 130 ha rau đậu, 100 ha mắc ca, 306 ha cây cà phê, 47 ha mì, 15 ha bời lời. Đặc biệt, làng có nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng, có tiền gửi tiết kiệm.
Gia đình anh Đinh Blăng là một trong số đó. “Vợ chồng mình đang gửi ngân hàng trên 600 triệu đồng. Số tiền đó mình đầu tư thâm canh cây trồng, chăm sóc bạch đàn và các loại cây trồng khác”-anh Blăng cho hay.
Anh Đinh Blăng (bìa trái) trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê với người dân trong làng. Ảnh: P.D |
Cũng như phần đông hộ dân trong làng, gần 10 ha đất sản xuất của gia đình anh Blăng trước đây chỉ trồng lúa rẫy và mì. Diện tích lớn nhưng do phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.
5 năm trở lại đây, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ sản xuất giỏi và chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa rẫy và mì kém hiệu quả sang trồng gần 4 ha trồng cây keo, bạch đàn; 1 ha trồng mì, bắp, đậu; 5 ha trồng cà phê và 1.000 cây mắc ca.
“Keo với bạch đàn mình mới trồng. Cà phê có 2 ha đã cho thu hoạch, năm rồi bán được 185 triệu đồng. Mắc ca thì có 400 cây cho thu bói, bán tươi được trên 20 triệu đồng... Vài năm nữa, kinh tế gia đình sẽ tốt hơn vì cà phê, mắc ca đều cho thu hoạch”-anh Blăng nói.
Trong khi đó, với 200 cây mắc ca, gia đình ông Vượng thu về 200 triệu đồng mỗi năm. “Mắc ca nếu chăm sóc tốt, từ năm thứ 10 trở đi sẽ cho thu khoảng 1 triệu đồng/cây. Tôi mới trồng thêm 300 cây. 1.000 cây cà phê tái canh năm rồi cho thu bói cũng được trên 20 triệu đồng”-ông Vượng chia sẻ.
Cũng theo ông Vượng, làng đã thành lập tổ hợp tác trồng và chăm sóc cây mắc ca, ông và anh Blăng là 2 trong số 50 thành viên. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên thường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo lộ trình, đến năm 2025, làng Đak Bok sẽ về đích làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, làng đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Tiến Ninh-Chủ tịch UBND xã Krong: Đối với 5 tiêu chí còn lại thì khó nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Làng Đak Bok còn 60 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và 47 hộ cận nghèo. Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, thiếu lao động và chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
“Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận làng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống”-ông Ninh nhấn mạnh.
Một góc làng Đak Bok. Ảnh: P.L |
Mới đây, tại buổi sinh hoạt chuyên đề ghép giữa Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ Báo Gia Lai và Chi bộ làng Đak Bok, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên cho rằng: Người dân Đak Bok vốn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Làng có những điều kiện thuận lợi nhất định để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Do đó, bà con cần mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chủ động tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện và giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chỉ khi làm được như vậy mới cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng căn cứ.