Độc đáo nghệ thuật bonsai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những cây hoang dại, với thân gốc thô ráp, xù xì... qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành tác phẩm nghệ thuật bonsai độc đáo.
Anh Nguyễn Văn Vũ (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: Anh tham gia trồng và kinh doanh cây cảnh được gần 15 năm. Ban đầu, anh chỉ sở hữu một vài cây nhỏ đặt trước sân nhà để ngắm nhìn, giải khuây sau những giờ lao động mệt nhọc. Rồi càng chơi cây cảnh, anh càng đam mê. Đến nay, anh đã có hơn 300 gốc bonsai các loại như: lộc vừng, hải châu, me, cần thăng, nguyệt quế, mai chiếu thủy, cây si, linh sam… Ngoài ra, các loại cây ăn quả như ổi, cóc cũng được anh Vũ cũng tạo dáng bonsai rất bắt mắt.
Anh Vũ cho hay, khi mới chơi cây cảnh, cũng gặp không ít khó khăn với việc chọn mua và tạo dáng. Rồi anh đến các câu lạc bộ, hội sinh vật cảnh để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu qua sách báo, mạng internet. Trong những dịp trưng bày, triển lãm cây cảnh ở địa phương, anh thường có mặt để được ngắm nhìn những cây bonsai độc, lạ và cũng là dịp trò chuyện để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức.
Những gốc bonsai hàng trăm năm tuổi trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Vũ (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Phương
Những gốc bonsai hàng trăm năm tuổi trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Vũ (tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Phương
Theo anh Vũ, khâu quan trọng nhất là phải tạo môi trường tốt cho cây phát triển bao gồm: đất, phân, nước và không khí. Đối với đất, anh thường dùng đất tơi xốp và thoát nước tốt, tưới đủ nước và bón phân đều đặn để cây có đủ dinh dưỡng. Ánh sáng cũng là yếu tố quan trọng, nơi nào có ít nắng thì cây sẽ kém phát triển. Anh Vũ chia sẻ thêm: Cây cảnh được chia ra nhiều loại, mỗi loại có cách chăm sóc riêng. Đất trồng phải pha cát, đất thịt, tro trấu, xơ dừa, phân và thuốc theo tỷ lệ nhất định. Những nghệ nhân bonsai chăm cây như chăm con của mình vậy. Chỉ cần nhìn lá, thân là họ có thể biết cây có bị bệnh hay không. Khoe với chúng tôi những chậu bonsai đủ kích cỡ, anh Vũ bộc bạch: Nếu là gốc cây thường thì chỉ có giá vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng khi đã tạo thành dáng thế độc, lạ thì 1 chậu bonsai nhỏ để bàn sẽ có giá từ vài triệu đồng, thậm chí cao hơn.
Tương tự, anh Lê Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng có một không gian xanh mát và đậm nét hoài cổ. Vừa nhâm nhi chén trà, anh vừa kể về mối lương duyên với cây cảnh: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích cây cảnh. Và rồi, tình yêu ấy đã thấm sâu vào máu thịt, hễ gặp người cùng đam mê thì có thể cùng luận bàn thâu đêm. Chơi cây cảnh cũng là một cách để lưu giữ thời gian, hướng con người tới chân-thiện-mỹ”.
Theo anh Quang, mỗi cây cảnh là một câu chuyện đầy thú vị. Đó có thể là những gốc mai chiếu thủy, thông, sanh, linh sam... uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi từ các vùng miền khác nhau hay mọc hoang dại cạnh bờ ao; có thể là những cây được anh mua lại từ một số người đi sưu tầm rồi chăm sóc, tỉa tót. Trong hơn 200 gốc bonsai, rất nhiều cây nhiều tuổi, trong đó có vài chục cây hàng năm luôn được tham gia trong các cuộc triển lãm trên toàn quốc.
Anh Lê Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bên tác phẩm cây sam đá. Ảnh: Hà Phương
Anh Lê Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bên cây sam đá. Ảnh: Hà Phương
“Tôi coi cây cảnh như người bạn tri kỷ. Ví như tác phẩm “Mộc xuất thiên chi” (cây sam đá) được mua từ một nhà vườn ở Bình Định từ khi tôi mới bắt đầu chơi cây cảnh, sau nhiều năm chăm sóc, cắt tỉa, nó đã trở thành một tác phẩm đầy chất “tình”. Mỗi cây trong vườn này đều trở thành đứa con tinh thần của tôi”-anh Quang bộc bạch.
Theo các bậc cao niên trong làng chơi cây cảnh, có người mê mẩn với những chậu bonsai mang dáng thác đổ, có người thích phong cách nhân văn, người thì thích gió lùa, bạt phong… Mỗi tác phẩm bonsai đều mang đậm dấu ấn thời gian, công sức cũng như triết lý sống, tâm tư, tình cảm mà nghệ nhân muốn gửi gắm trên từng nhánh cây, tán lá, cội rễ. Chơi bonsai chính là nghệ thuật tu dưỡng tâm hồn, mang nét đẹp hài hòa với thiên nhiên, đất trời.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.