Cựu chiến binh tạo việc làm cho địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Đồng chí Lê Văn Khánh là doanh nhân duy nhất của Hội Cựu chiến binh huyện. Doanh nghiệp của đồng chí đang giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động là con em hội viên cựu chiến binh và người dân tộc thiểu số trên địa bàn”-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa Nguyễn Văn Nga giới thiệu về Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai (thôn Tân Tiến, xã Trang).

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất chanh dây cạnh nhà ở của gia đình, cựu chiến binh Lê Văn Khánh tận tình giới thiệu về từng công đoạn trong quy trình chế biến. Quả chanh dây chín sau khi thu mua trực tiếp từ người dân và các đại lý trên địa bàn huyện sẽ được sàng lọc, bỏ đi những trái không đủ tiêu chuẩn rồi chuyển đến hệ thống rửa nhằm loại bỏ tạp chất cùng một số vi sinh vật. Tiếp đến, những quả chanh dây sẽ được làm ráo nước, gọt vỏ, cắt quả, múc ruột, tách màng, chiết rót, cấp đông... Ở mỗi công đoạn có khoảng 3-5 công nhân phụ trách. “Công nhân ở đây phần lớn là người xã Trang, có người ở xã kế bên. Họ nhận lương theo sản phẩm nên thu nhập dao động trong khoảng 7-11 triệu đồng/người/tháng”-ông Khánh thông tin.

 Ông Lê Văn Khánh (đứng) kiểm tra các khâu trong quá trình sản xuất chanh dây. Ảnh: Anh Huy
Ông Lê Văn Khánh (đứng) kiểm tra các khâu trong quá trình sản xuất chanh dây. Ảnh: Anh Huy


Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, cựu chiến binh Lê Văn Khánh trải lòng: “Năm 2004, tôi rời quân ngũ trở về địa phương. Thời gian đầu, tôi xin làm bảo vệ ở Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, sau đó làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Đến năm 2015, tôi dành dụm được 270 triệu đồng và quyết định thu mua trái cây từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc, vì đây là thị trường vô cùng tiềm năng. Nhưng chuyến đi ấy tôi bị lừa mất sạch vốn”.

Sau lần ấy, ông Khánh tiếp tục vay mượn họ hàng, người thân để thu gom trái cây (sầu riêng, bơ, mít, chanh dây) đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Thay vì bán lại cho thương lái, ông thuê 1 phiên dịch và thuê 1 sạp hàng ở chợ Bằng Tường (Trung Quốc) trực tiếp đứng bán. Bằng cách này, chỉ 1 năm sau, ông đã hoàn trả số nợ 700 triệu đồng và còn dư gần 1 tỷ đồng làm vốn.

Khi việc kinh doanh qua lại cửa khẩu gặp khó khăn, ông nghĩ đến việc làm nhà xưởng, đóng gói, chiết rót và cấp đông để sản phẩm có thể bảo quản được lâu. Năm 2019, Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai được thành lập chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng từ chanh dây. “Mỗi tháng, Công ty thu mua khoảng 500-600 tấn chanh tươi và 4-5 ngày xuất bán 25-30 tấn dịch quả. Mặt khác, cứ 1 kg dịch quả, tôi có 1 kg vỏ chanh bán kèm theo để làm mứt với giá 10-12 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi còn dư khoảng 150 triệu đồng/tháng”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai cho hay.

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến Công ty không chủ động được nhân công, chi phí sản xuất, vận chuyển phát sinh... Song với bản lĩnh người lính đã được trui rèn trong quân ngũ, doanh nhân Lê Văn Khánh từng bước đưa Công ty vượt qua khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho 40-60 lao động tại địa phương. Vào làm công nhân dọn vệ sinh với mức lương 7 triệu đồng/tháng, chị Blen (làng Kồ, xã Trang) cho hay: “Từ khi vào đây làm, cuộc sống của vợ chồng mình cũng bớt khó khăn. Lương tháng, mình chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, dành dụm mua vật dụng trong nhà”. Tương tự, 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Phương (thôn Tân Lập) cũng thoát cảnh mỗi sáng mang theo 1 cà mèn cơm đi làm thuê các rẫy xa. “Từ nhà tôi đến Công ty chỉ mất 5 phút đi xe máy và công việc chính là gọt chanh, múc chanh nên không sợ mưa nắng. 2 năm làm ở đây, thu nhập của tôi dao động trong khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Tôi không phải chuẩn bị cơm mang theo, bữa tối nếu có tăng ca đều do Công ty hỗ trợ”-chị Phương vui vẻ nói.

Đề cập về chế độ đãi ngộ dành cho công nhân, ông Khánh trải lòng: “Tôi cũng từng bôn ba khắp nơi nên hiểu cuộc sống của người lao động. Tôi nghĩ nếu mình quan tâm, chăm lo đời sống thì họ cũng sẽ toàn tâm, toàn ý cho công việc”. Ngoài hỗ trợ bữa ăn cho người lao động, mỗi tháng, ông còn giúp đỡ 3 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, khi thì tiền, lúc thì gạo. “Ở đây mọi người thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi tháng, mình còn được Công ty hỗ trợ 300 ngàn đồng để mua gạo, mắm, dầu ăn. Mình vui lắm”-chị Blen chia sẻ.

Trao đổi về những dự định sắp tới, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai nói: “Trong năm 2022, tôi sẽ xây thêm 1 nhà xưởng để sản xuất sầu riêng, bơ, tạo thêm việc làm cho lao động tại chỗ. Tôi cũng có kế hoạch liên kết với một số nhà máy để sản xuất và xuất khẩu trái cây”. Theo ông Nguyễn Cao Đăng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trang, cựu chiến binh Lê Văn Khánh đã có những đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ông cũng tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động. Các ngày lễ, Tết, ông dành nhiều phần quà để động viên, thăm hỏi, giúp đỡ hộ khó khăn trên địa bàn.

 

 ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.