Cần tôn tạo nơi thờ tự Anh hùng Kpă Klơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Klơng là niềm tự hào của cộng đồng người Jrai nói riêng và người dân tỉnh Gia Lai nói chung. Nơi thờ tự tại nhà riêng của ông rất cần được quan tâm đầu tư tôn tạo để trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nơi thờ tự Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Klơng là một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, có phần xuống cấp ở làng Pia, xã Ia Pia, huyện Chư Prông. Nằm cạnh tỉnh lộ 665 đang được thi công cải tạo, ngôi nhà nhỏ rung liên hồi khi xe lu, xe ủi ngang qua. Đây là ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng ông Kpă Glô (em trai Anh hùng Kpă Klơng) vào năm 1989. Ông Glô sau đó chuyển đi sinh sống ở làng khác và đã qua đời. 
Năm 2009, ngôi nhà được tu sửa làm nơi thờ tự Anh hùng Kpă Klơng. Bây giờ, ngôi nhà do vợ chồng anh Lê Văn Lang ở và trông coi. Anh Lang chia sẻ: “Ông Glô đã bán đất xung quanh cho gia đình tôi, chỉ còn lại ngôi nhà này làm nơi thờ Anh hùng Kpă Klơng. Khi ông Glô sang làng khác sống, vợ chồng tôi chuyển đến ở và thờ cúng ông Kpă Klơng. Phía trước nhà, chúng tôi giữ nguyên vẹn, chỉ xây nối ra sau thêm một ít để làm nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ cho cả gia đình”.
Anh Lê Văn Lang ngày ngày chăm lo hương khói cho Anh hùng Kpă Klơng. Ảnh: Phương Linh
Anh Lê Văn Lang ngày ngày chăm lo hương khói cho Anh hùng Kpă Klơng. Ảnh: Phương Linh
Trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp, phòng thờ người anh hùng rộng khoảng 16 m2. Ban thờ đặt bên góc trái căn phòng. Di ảnh Anh hùng Kpă Klơng đặt trên tấm bê tông nhỏ nhô ra từ bờ tường khoảng 20 cm, bên cạnh là bảng tiểu sử, một bình hoa nhỏ và bát hương. Ngoài ra, căn phòng không có thêm bất kỳ hiện vật nào khác liên quan đến người anh hùng. 
Thắp một nén hương lên ban thờ, anh Lang tâm sự: “Vợ chồng tôi vẫn coi đây là cái duyên khi được ở trong ngôi nhà này và thờ cúng Anh hùng Kpă Klơng. Dù chúng tôi không được tự ý sửa chữa ngôi nhà nhưng hàng ngày vẫn hương khói đầy đủ cho ông. Vào những dịp lễ, Tết, chính quyền và các đoàn thể đến thắp hương, hỗ trợ chút kinh phí để gia đình tôi duy trì thờ phụng ông. Gia đình tôi thấy rất vinh dự và tự hào”.
Giờ đây, người thân của Anh hùng Kpă Klơng không còn. May mắn khi có gia đình anh Lang tình nguyện gánh phần trách nhiệm thờ cúng ông. Tuy nhiên, trước tình cảnh ngôi nhà xuống cấp, nơi thờ tự đơn sơ, anh Lang cũng không khỏi ái ngại. “Nhà nằm hướng gió thốc nên mùa khô bụi mù, gần như phải đóng cửa. Nền nhà thấp hơn mặt đường nên khi mưa to, bùn đất tràn vào. Nếu được, chúng tôi muốn nâng nền, sửa lại ngôi nhà cũng như phòng thờ Anh hùng Kpă Klơng”-anh Lang nói.
Vợ chồng anh Lê Văn Lang mong muốn được sửa chữa, nâng cấp nơi thờ của anh hùng Kpă Klơng. ảnh P.L
Vợ chồng anh Lê Văn Lang chia sẻ, rất mong chính quyền địa phương quan tâm, sửa chữa ngôi nhà cũng như phòng thờ Anh hùng Kpă Klơng. Ảnh: Phương Linh
Trao đổi với P.V về nguyện vọng của anh Lang, ông Kpă Thoắc-Chủ tịch UBND xã Ia Pia-cho hay: “Ngôi nhà tình nghĩa này sau khi hoàn thành và bàn giao cho người sử dụng, UBND huyện Chư Prông giao xã quản lý, không để gia đình bán đất, bán nhà. Chúng tôi ghi nhận thành ý của anh Lang và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về việc nâng cấp nơi thờ Anh hùng Kpă Klơng”. 
Trong kháng chiến, Kpă Klơng là một trong những biểu tượng về ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của đồng bào Jrai nói riêng, người dân Tây Nguyên nói chung. Thiết nghĩ, cùng với việc đặt tên đường, tên công viên, xây dựng tượng đài thì cần tôn tạo, nâng cấp nơi thờ tự người anh hùng này để lưu dấu cho thế hệ mai sau.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.