Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đề xuất bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã được giữ nguyên cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm.

Không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Tờ trình của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trương Hải Long ký ban hành nêu rõ, Luật Cán bộ công chức hiện hành đang quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã.

Đến hết năm 2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 212.606 người (Ảnh minh họa)
Đến hết năm 2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 212.606 người (Ảnh minh họa)

Tại Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã có quy định về việc liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, tuy nhiên còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi thực hiện.

Đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã là yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Dự thảo luật bổ sung nội dung về những việc cán bộ, công chức không được làm tại khoản 2 Điều 17 (không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ và các đề xuất đổi mới, sáng tạo) để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.

Trên cơ sở đó, để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, trong đó quy định cán bộ, công chức ở Trung ương, ở cấp tỉnh và cấp xã (bỏ cấp huyện). Đồng thời, bỏ chương về cán bộ, công chức cấp xã.

Đáng lưu ý, dự án luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 212.606 người. Trong đó, có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.

Cũng theo Bộ Nội vụ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít và sẽ được giải quyết theo chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.

Trong thời hạn 5 năm, phải cơ cấu lại đội ngũ

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi lần này cũng đề xuất bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương.

Cán bộ, công chức xã cũng được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ; bảo đảm tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Dự án luật cũng quy định Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm tính từ ngày dự luật này có hiệu lực.

Theo Luân Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập tỉnh, thành: Chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ

Sáp nhập tỉnh, thành: Chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ

Khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện, bên cạnh sửa đổi thể chế thì một yếu tố quan trọng để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là lựa chọn người đứng đầu có tâm thế đổi mới, không cục bộ, không vương vấn lợi ích “chung - riêng”.

Họp trực tuyến

Sớm bố trí, phân bổ đủ vốn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Chiều 31-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình MTQG. 

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công tồn đọng kéo dài trước ngày 10-4

Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công tồn đọng kéo dài trước ngày 10-4

(GLO)- Ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia.