Ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT, đã đưa chìa khóa phòng lưu giữ bài thi cho ông Vũ Trọng Lương, cấp phó của ông Hoài.
|
Bị can Vũ Trọng Lương khi bị bắt tạm giam và cơ quan điều tra đang khám nhà ông Lương. Ảnh: BTP |
Sáng 20-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba tháng đối với ông Vũ Trọng Lương, phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh này, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mở rộng điều tra vụ án
Trước đó, ngày 19-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố vụ án hình sự vụ gian lận điểm thi về tội danh này. Các quyết định tố tụng đã được VKS cùng cấp phê chuẩn.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương là người trực tiếp can thiệp, sửa điểm vào 330 bài thi của 114 thí sinh, trong đó nhiều thí sinh là con quan chức, cán bộ tỉnh này. Đặc biệt, trong số này có con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phân công sử dụng máy tính. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, có nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Ông Lương đã nhập số báo danh vào máy, sau đó thực hiện hành vi sửa điểm cho 114 thí sinh.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cho biết cơ quan này đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày 20-7, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Giang có văn bản thông tin chính thức một số nội dung liên quan đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. Văn bản đề cập đến trách nhiệm liên đới của ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, cấp trên của ông Lương.
Ông Hoài là người đã đưa chìa khóa phòng lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương. Từ đó ông Lương dịch chuyển bài thi và một số thiết bị phục vụ chấm thi về phòng khảo thí để thực hiện việc sửa điểm. Hành vi này của ông Hoài là trái với quy chế. Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát sơ bộ, Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài.
Sẽ chấm thẩm định môn văn tại Lạng Sơn
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20-7, hai tổ công tác do Bộ GD&ĐT thành lập tiếp tục công tác xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Lạng Sơn và Sơn La.
Chiều cùng ngày, kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Lạng Sơn, phát biểu với báo chí, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết sẽ đề nghị chấm thẩm định một số bài thi tự luận môn ngữ văn để có thể khẳng định điểm thi THPT tại Lạng Sơn có gian lận hay không.
Bước ra từ phòng làm việc, ông Hồng nói cần phải có thời gian để tập trung rà soát lại một số vấn đề, trong đó sẽ rà soát môn ngữ văn. “Để kết luận được chính xác thì tôi sẽ đề nghị chấm thẩm định một số bài thi tự luận môn ngữ văn. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới” - ông Hồng nói.
Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải một bảng điểm có số điểm rất cao của 35 thí sinh là công an nghĩa vụ dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Lạng Sơn. Theo đó, môn lịch sử có bốn thí sinh được 9 điểm, 21 thí sinh được 8 điểm. Môn ngữ văn có năm thí sinh điểm 9 và 23 thí sinh được 8-8,75 điểm. Không có thí sinh nào trong danh sách này có tổng điểm ba môn ngữ văn, toán, lịch sử và điểm ưu tiên dưới 24.
Sơn La lý giải về điểm thi bất thường Sơn La là tỉnh có điểm thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường so với các địa phương khác, kể cả Hà Nội và TP.HCM. Khá nhiều thí sinh có điểm 9 và 10, trong số này có hai thí sinh thuộc Trường THPT chuyên Sơn La nằm trong tốp 11 thí sinh có điểm thi cao nhất nước. Đáng chú ý là điểm thi thử của hai thí sinh này chênh lệch rất lớn so với điểm thi chính thức. Chiều 20-7, trả lời báo chí, ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho biết đợt thi thử được Trường THPT chuyên Sơn La tổ chức vào tháng 3-2018, cách kỳ thi THPT quốc gia ba tháng. Thời điểm thi thử, có thể các thí sinh chưa tích lũy đủ kiến thức để làm bài tốt; sau thi thử thì các em có tới hơn ba tháng để luyện thi. Các em không chỉ luyện thi do nhà trường tổ chức mà một số gia đình còn thuê cả gia sư. “Hơn ba tháng đó là toàn tâm toàn ý cho việc luyện thi. Sau khi tổng kết xong, các em còn rất nhiều thời gian để tập trung ôn luyện những môn xét tuyển đại học, hoàn toàn có khả năng đạt được mục đích của mình” - ông Quang nói. |
Tuyến Phan-Hà Phương (PLO)