Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 60 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng quy mô công suất 2.330,89 MW. Trong đó, 49 dự án đang vận hành với tổng công suất 2.251,69 MW; 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 21 MW; các dự án còn lại chưa có chủ trương đầu tư, tổng công suất 58,2 MW. Đối với điện mặt trời, Gia Lai có 9 dự án với tổng quy mô công suất 787 MWp, hiện có 2 dự án đang vận hành với tổng công suất 84 MWp, 1 dự án đang thi công xây dựng với công suất 49 MWp, 4 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư với tổng công suất 614 MWp và 2 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
Tỉnh cũng đã phát triển được 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW. Trong số này, 7 dự án đang vận hành với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117,2 MW. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án điện sinh khối được quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành với tổng quy mô công suất 129,6 MW.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện với nhiều cấp điện áp từ 22 kV đến 500 kV. Cụ thể, tỉnh có 10 xuất tuyến 500 kV đi qua với tổng chiều dài 352 km; 3 trạm biến áp 500 kV đang vận hành với tổng dung lượng 3.600 MVA. Còn lưới điện 220 kV, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 xuất tuyến đang vận hành với chiều dài khoảng 638 km; có 12 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 2.630 MVA. Gia Lai hiện có 24 xuất tuyến đường dây 110 kV đang vận hành với chiều dài khoảng 587 km; 24 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 1.077 MVA.
Dự án điện gió tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy |
Đối với lưới điện nông thôn, toàn tỉnh có 5.108 km đường dây trung áp, hơn 5.107 km đường dây hạ áp, 5.538 trạm biến áp với tổng công suất 1.473.001 kVA. Hiện 220/220 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều sử dụng điện lưới quốc gia; 181/182 xã đạt tiêu chí điện nông thôn.
Tại buổi làm việc ngày 21-7 vừa qua giữa đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tỉnh xung quanh việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, ông Ngô Sơn Hải-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện giúp EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 6,76%/năm. Để đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các nhà máy điện cũng như đáp ứng nhu cầu phụ tải cho phát triển kinh tế-xã hội, các đơn vị trong EVN đã hoàn thành đóng điện 6 công trình lưới truyền tải 500 kV-220 kV và 9 công trình lưới điện 110 kV theo quy hoạch được phê duyệt, cơ bản đáp ứng được phụ tải”.
Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống năng lượng tái tạo cũng đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết, việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng kết cấu hạ tầng nông thôn, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo còn góp phần phát triển du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia (hiện đóng góp khoảng gần 8 tỷ kWh/năm) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung (bình quân tăng 15%/năm).
Dự án điện mặt trời mái nhà ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Nguồn Internet |
Cùng với các nguồn năng lượng từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời thì trên địa bàn tỉnh có 1 kho xăng dầu đang hoạt động với sức chứa 5.300 m3, 1 kho xăng dầu đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với sức chứa 1.400 m3. Tỉnh cũng đang đề xuất Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 1 kho xăng dầu với sức chứa 5.400 m3 vào Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trên địa bàn tỉnh còn có 422 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Về tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát triển các nguồn năng lượng của tỉnh, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, có thể phát triển các dự án thủy điện tới quy mô công suất khoảng hơn 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, tỉnh có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW. Về tiềm năng điện gió, Gia Lai có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối với quy mô công suất khoảng 850 MW.