Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai có 3 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 thì có một số tiêu chí rất khó thực hiện. Thực tế đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương cần nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu đã đề ra.

Nhiều tiêu chí yêu cầu quá cao

Xã Biển Hồ (TP. Pleiku) đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Thị Hoa, qua rà soát theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, đến nay, xã có đến 4/19 tiêu chí chưa đạt gồm: thu nhập; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường. Dự kiến đến cuối năm 2023, xã phấn đấu có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Riêng tiêu chí môi trường chưa đạt do vướng về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng (phải đạt từ 5% trở lên).

Nhiều tuyến đường ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: L.N

Nhiều tuyến đường ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: L.N

Cũng đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023 nhưng 2 xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) và Ia Blang (huyện Chư Sê) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí xã NTM. Hiện tại, xã Nam Yang đạt 11/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM và đạt 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao.

Ông Lê Kim Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang-cho biết: Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có một số chỉ tiêu khó áp dụng do đặc thù của các xã. Cụ thể, với tiêu chí trường học và tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu quá ít so với nhu cầu thực tế để đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Với chỉ tiêu “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế-xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM”, UBND xã đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến nhưng do người dân còn giữ thói quen nộp hồ sơ trực tiếp và việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến ở xã còn thấp so với yêu cầu đặt ra.

Với chỉ tiêu về tỷ lệ người dân có sổ khám-chữa bệnh điện tử, hiện nay, xã chưa có phần mềm giải pháp và tập huấn cho cán bộ chuyên môn nên cũng khó đạt. “Đặc biệt, có 2 chỉ tiêu không phù hợp với đặc thù địa phương gồm: tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng và tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn và từ hệ thống cấp nước tập trung.

Hiện nay, địa phương không có điểm hỏa táng. Bên cạnh đó, chi phí hỏa táng rất cao và người dân không có thói quen sử dụng hình thức hỏa táng. Bên cạnh đó, do đặc thù của địa phương, 100% người dân sử dụng nguồn nước giếng đào hợp vệ sinh. Trên địa bàn xã không có hệ thống cấp nước, trong khi để đầu tư cấp nước tập trung cần có kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, rất lãng phí”-ông Nam phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang: Xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Để giúp người dân nâng cao thu nhập theo hướng bền vững, UBND xã chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ gắn với đào tạo nghề. Tuy nhiên, qua rà soát, xã mới đạt chuẩn 16/19 tiêu chí NTM. Còn qua rà soát theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao thì mới đạt chuẩn 9/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí NTM nâng cao, còn lại 7 tiêu chí gồm: giáo dục, văn hóa, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, môi trường, chất lượng môi trường sống chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, quy định đạt chuẩn của giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung mới, cao hơn. Tuy nhiên, nguồn vốn của chương trình phân bổ cho xã rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu để đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM.

Cần có sự điều chỉnh

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, nâng cao hơn so với bộ tiêu chí cũ và có những chỉ tiêu không phù hợp với địa phương. Ngoài ra, nhiều tiêu chí khó thực hiện như: giáo dục, môi trường, y tế... Cụ thể, tiêu chí giáo dục đòi hỏi tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Tiêu chí môi trường quy định tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng đạt từ 5% trở lên. Trong vài năm tới, các địa phương sẽ không thực hiện được tiêu chí này. Hay tiêu chí y tế đòi hỏi tỷ lệ dân số có sổ khám-chữa bệnh điện tử đạt từ 70% trở lên cũng sẽ khó đạt... Vì vậy, các xã đăng ký về đích NTM và NTM nâng cao khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khu Trung tâm xã Nam Yang, huyện Đak Đoa được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khá khang trang. Ảnh: L.N

Khu Trung tâm xã Nam Yang, huyện Đak Đoa được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khá khang trang. Ảnh: L.N

Toàn tỉnh hiện có 91/182 xã đạt chuẩn NTM; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa; có 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó có 110 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Năm 2023, 9 xã đăng ký đạt chuẩn NTM gồm: Ia Băng (huyện Đak Đoa), Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), Ia Hiao (huyện Phú Thiện), Ia Tôr (huyện Chư Prông), Kim Tân (huyện Ia Pa), Ia Khai (huyện Ia Grai), Kon Thụp (huyện Mang Yang), Chư Gu (huyện Krông Pa), Ia Ko (huyện Chư Sê); 3 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Biển Hồ (TP. Pleiku), Nam Yang (huyện Đak Đoa), Ia Blang (huyện Chư Sê).

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ: “Xã phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt tiêu chí thu nhập và tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Còn với chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám-chữa bệnh từ xa, tỷ lệ dân số có sổ khám-chữa bệnh điện tử trong tiêu chí y tế thì Sở Y tế cho biết đã xây dựng dự toán trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt kinh phí trong năm 2023.

Hiện tại, Sở đang gấp rút thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà cung cấp triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe công dân và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Riêng với tiêu chí về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng phải đạt từ 5% trở lên, nếu Trung ương không có sự điều chỉnh thì xã sẽ không thể về đích NTM được”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Bộ tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Trước những khó khăn, vướng mắc từ thực tế, các địa phương đề nghị Trung ương điều chỉnh một số chỉ tiêu không phù hợp với thực tế như tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở hỏa táng, việc mai táng được thực hiện bằng phương pháp chôn và các địa phương đã có nghĩa trang theo quy hoạch, đảm bảo việc mai táng đúng quy định. Hơn nữa, phần lớn người dân không có nhu cầu hỏa táng nên đề nghị xem xét, điều chỉnh tiêu chí này cho phù hợp với địa phương. Đối với chỉ tiêu 17.1 trong Bộ tiêu chí xã NTM và các chỉ tiêu 18.1, 18.2, 18.3 trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao yêu cầu tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bởi hiện nay, người dân trên địa bàn nông thôn đã được cung cấp và sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định. Để đạt chuẩn tiêu chí này phải đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung sẽ gây lãng phí ngân sách, sử dụng không hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay, địa phương không có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng nên đề nghị Trung ương điều chỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.

“Ngày 15-8-2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 5580/TTr-BNN-VPĐP đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh”-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thông tin thêm

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.