Vụ 5 du học sinh Việt mất tích tại Úc: Giải đáp một chi tiết 'lạ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sunnie Nguyễn, trường hợp mới nhất trong các vụ du học sinh Việt mất tích bí ẩn, được miêu tả là 'không thể nói tiếng Anh thời điểm mới đến Úc' và gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Chi tiết này dấy lên nhiều thắc mắc.
Chân dung Sunnie Nguyễn, nữ sinh hiện đang mất tích bí ẩn tại Úc

Chân dung Sunnie Nguyễn, nữ sinh hiện đang mất tích bí ẩn tại Úc

Sunnie Nguyễn (17 tuổi, tên thật Nguyễn Hoàn Ngọc Anh) là du học sinh Việt thứ 5 theo diện trao đổi ở Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide) mất tích bí ẩn tại Úc thời gian gần đây. Giới chức nước này hôm 11.1 tuyên bố đã tìm thấy một người, song 4 trường hợp còn lại vẫn chưa có tin mới, trong đó có em đã mất tích hơn 4 tuần. Cảnh sát cũng nhận định, 5 vụ mất tích không liên quan đến nhau và có thể các em đã đi qua tiểu bang khác.

Trả lời tờ Daily Mail, chị Mary, gia đình giám hộ người bản xứ (host family) của Sunnie, cho biết mọi người cực kỳ lo lắng về sự an nguy của nữ sinh. Bởi, em được cho là rất rụt rè và gặp khó khi giao tiếp. "Em ấy không thể nói tiếng Anh khi mới đến Úc. Bây giờ em ấy đã mở lòng hơn với chúng tôi và các bạn chung nhà, nhưng khi ra ngoài, Sunnie vẫn phải nhờ người khác phiên dịch thay mình", chị Mary bộc bạch.

Chi tiết này khiến nhiều người thắc mắc về cách Úc xét duyệt và cấp thị thực cho du học sinh Việt. Bởi, nếu chọn du học một nước nói tiếng Anh, sinh viên quốc tế thường phải đạt chuẩn ngoại ngữ ở mức độ nào đó, thể hiện qua điểm các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh như IELTS. "Nhưng sao lại không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh?", nhiều người đặt vấn đề.

Giải đáp thắc mắc này, ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM), cho biết Úc là quốc gia rất chào đón du học sinh. Riêng với khâu xét duyệt hồ sơ xin thị thực, nước này xếp các quốc gia khác vào 3 cấp độ đánh giá, gọi là Assessment Level. Với cấp độ 1 là cao nhất, người học không cần phải chứng minh tài chính, cũng như không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS khi nộp hồ sơ.

"Việt Nam từng được Úc xếp vào nhóm 1 hồi tháng 5.2023, và đây có thể là nguyên nhân du học sinh không cần thi chứng chỉ tiếng Anh trước khi đến Úc. Chưa kể, với những bạn dưới 18 tuổi du học bậc phổ thông, trường Úc sẽ không 'siết' yêu cầu về IELTS như bậc cử nhân.

Thông thường, trường sẽ phỏng vấn hoặc cho du học sinh làm bài kiểm tra khi còn ở Việt Nam để đánh giá năng lực tiếng Anh. Nếu trình độ ngoại ngữ còn yếu, trường có khi vẫn chấp nhận, chỉ yêu cầu học thêm tiếng Anh ở trường trong 6-10 tuần hoặc dài hơn trước khi vào chương trình chính thức. Như vậy, du học sinh Việt hoàn toàn có thể qua Úc rồi mới bắt đầu học tiếng Anh", anh An lý giải.

Quy định này khác biệt với một quốc gia du học phổ biến khác là Mỹ, khi sinh viên quốc tế bắt buộc phải chứng minh trình độ tiếng Anh mới có thể đến học, nam giám đốc thông tin thêm.

Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide), nơi đang có 5 du học sinh Việt mất tích bí ẩn vào những thời điểm khác nhau trong hơn 1 tháng qua. HAMILTON SECONDARY COLLEGE

Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide), nơi đang có 5 du học sinh Việt mất tích bí ẩn vào những thời điểm khác nhau trong hơn 1 tháng qua. HAMILTON SECONDARY COLLEGE

Chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q (TP.HCM), đồng thời là thành viên hai hiệp hội nghề nghiệp tại Úc (CDAA và CICA), cho biết với lộ trình du học bậc phổ thông, các trường Úc quy định sinh viên quốc tế phải đạt IELTS 5,0 (với lớp 10) và 5,5 (với lớp 11, 12) hoặc chứng chỉ khác tương đương, đơn cử như PTE.

"Rất có thể, bạn du học sinh Việt đã đi Úc trước khi nước này thắt chặt lại các chính sách thị thực. Thời điểm đó Úc vẫn còn 'mở' với Việt Nam nên chỉ cần làm bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, sau đó đến Úc học tiếng Anh trong tối đa 20 tuần là được vào học chính thức", ông Quang cho hay, cho biết thêm du học sinh cũng có thể "học vượt" để vào chương trình chính sớm hơn.

Một nguyên nhân khác mà du học sinh Việt khi đến Úc không nói tiếng Anh trôi chảy là vì một số vùng ở Úc nói giọng địa phương, "hơi khó với người mới nghe lần đầu". "Có khi kỹ năng đọc, viết của du học sinh Việt rất tốt, nhưng nghe, nói lại không theo kịp người Úc. Đây là điều bình thường và nói chung, không thể nào đến Úc mà không biết tiếng Anh vì người dưới 18 tuổi được chính phủ kiểm soát rất kỹ", ông Quang nhận định.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.