Từ 1-7: Dự kiến sẽ tăng mức trợ cấp đối với người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ 1-7-2018, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tăng lên mức 1.515.000 đồng/tháng, thay cho mức 1.417.000 đồng hiện hành.

Đó là quy định trong Dự thảo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) lấy ý kiến rộng rãi.

 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm gia đình chính sách tại tỉnh Bình Thuận.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm gia đình chính sách tại tỉnh Bình Thuận.

Theo Bộ LĐTBXH, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được tính dựa trên căn cứ Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Từ ngày 1/7/2018, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng bằng tỷ lệ tăng lương cơ sở là 6,923% (từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng). Theo đó, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.099 đồng, làm tròn là 1.515.000 đồng.

Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 diện thoát ly mức trợ cấp 1.693.000 đồng/tháng, phụ cấp 287.000 đồng/1 thâm niên; diện không thoát ly mức trợ cấp 2.874.000 đồng/tháng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 từ trần 1.515.000 đồng/tháng. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng 1.212.000 đồng/tháng.

Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được trợ cấp 1.566.000 đồng/tháng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần là 850.000 đồng/tháng. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng 1.212.000 đồng/tháng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.515.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 3.030.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên, mức trợ cấp là 4.545.000 đồng/tháng;

Trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ lấy chồng hoặc lấy vợ khác (diện không hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng) là 1.515.000 đồng/tháng. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng 1.212.000 đồng/tháng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ như trên) được hưởng phụ cấp 1.270.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình là 1.515.000 đồng/tháng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.270.000 đồng/tháng. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được trợ cấp thương tật từ 1.021.000 – 4.858.000 đồng/tháng, tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Thương binh loại B được trợ cấp thương tật từ 843.000 đồng/tháng đến 4.019.000 đồng/tháng tùy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Theo Bộ LĐTBXH, với mức chuẩn quy định tại Nghị định số 70/2017/NĐ-CP là 1.417.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2018 là 29.663 tỷ đồng, nếu nâng mức chuẩn lên 1.515.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2018 là 30.676 tỷ đồng, tăng thêm 1.013 tỷ đồng.

Kinh phí để đảm bảo thực hiện điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công theo Nghị định này (bao gồm cả kinh phí chi chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí…) được ngân sách trung ương đảm bảo theo Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội.

Nếu được thông qua, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được điều chỉnh và thực hiện từ ngày 1/7/2018, thay thế cho Nghị định số 70/2017/NĐ-CP đã ban hành ngày 6/6/2017.

B.D/LĐTĐ

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).