Tiếp tục hỗ trợ Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê gỡ khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù UBND tỉnh cùngcác sở, ngành, địa phương đã có buổi làm việc tìm phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê vẫn còn nợ tiền điện, tiền thuế… khiến cho hàng ngàn hộ dân lo lắng trước nguy cơ bị cúp nước, xáo trộn cuộc sống.

Ngày 13-11-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã chủ trì buổi làm việc nhằm gỡ khó cho công ty nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm giúp công ty này vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng các sở, ngành của tỉnh và địa phương họp xử lý các kiến nghị của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê diễn ra vào ngày 13-11-2023. Ảnh: Minh Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng các sở, ngành của tỉnh và địa phương họp xử lý các kiến nghị của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê diễn ra vào ngày 13-11-2023. Ảnh: Minh Phương

Đáng chú ý, tại Thông báo kết luận số 182/TB-VP, ngày 26-12-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục hỗ trợ, duy trì nguồn điện đảm bảo cho Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê hoạt động trong thời gian tìm giải pháp vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, yêu cầu UBND huyện Chư Sê có văn bản chỉ đạo các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn huyện đã đấu nối hệ thống cấp nước khẩn trương chuyển sang sử dụng nước sạch tập trung hiện hữu, tuyệt đối không sử dụng giếng khoan. Thời gian thực hiện trước ngày 30-1-2024.

Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cũng yêu cầu huyện Chư Sê phối hợp các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tăng cường sử dụng nước sạch tập trung đã được đấu nối để người dân nâng cao nhận thức, hiểu được sự quan trọng của nước sạch với sức khỏe cộng đồng, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung.

Liên quan đến phản ánh của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp, ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông chỉ rõ nguyên nhân: Xã được đầu tư công trình cấp nước nhưng việc quản lý, vận hành thì phía Công ty này đều phó mặc cho xã. Sau khi lắp đặt đồng hồ tổng, từ việc quản lý công trình cho đến vận hành, sửa chữa, nhân lực thu tiền nước đều do xã thực hiện, Công ty chỉ việc xem đồng hồ tính tiền.

Hiện tại, phần lớn nguồn nước trên địa bàn xã bị nhiễm vôi nên nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất lớn nhưng Công ty không hề có chiến lược nào để phát triển thị trường, mà chỉ kinh doanh trên mạng lưới nhà nước đã xây dựng sẵn.

“Người dân tha thiết muốn sử dụng nước sạch thì xã phải lập danh sách gửi lên, Công ty chỉ xuống lắp đặt, còn việc thu tiền, sửa chữa sự cố, đường ống bể làm thất thoát nước thì xã phải gánh trách nhiệm”-Chủ tịch UBND xã Hbông nêu nghịch lý.

Theo ông Viên, muốn phát triển thị trường thì phía Công ty phải làm việc với các hộ dân, không giao hết về cho xã và phải cử người xuống quản lý, vận hành, mở rộng khai thác mạng lưới sử dụng nước.

Ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cho biết hiện đang nợ tiền thuế, tiền điện, bảo hiểm xã hội... đề nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Minh Phương

Ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cho biết hiện đang nợ tiền thuế, tiền điện, bảo hiểm xã hội... đề nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Minh Phương

Ông Nguyễn Văn Công-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cũng thông tin: Thị trấn có 1.490 hộ là khách hàng sử dụng nước của Công ty. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân khẳng định họ sử dụng nước và trả tiền đầy đủ; phía Công ty phải có trách nhiệm đảm bảo việc cung cấp nước.

“Người dân rất có ý thức trong việc sử dụng nước sạch, còn Công ty muốn tăng tỷ lệ người dùng thì phải hỗ trợ hệ thống ống nối đến tận nhà, chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ đầu tư những trục đường chính. Dịch vụ của Công ty không có, chất lượng phục vụ, chế độ bảo hành kém thì khó mở rộng thị trường. Không những vậy, thời gian gần đây người dân hoang mang trước thông tin bị cắt điện, cúp nước. Tình trạng này cần sớm giải quyết dứt điểm để giúp người dân ổn định cuộc sống”-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê nói.

Ngoài việc, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có phương án hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo việc duy trì vận hành, bảo dưỡng đối với hệ thống nước đã đấu nối, đi vào hoạt động; phối hợp với UBND huyện Chư Sê và UBND các xã, thị trấn để hỗ trợ người dân, đưa nước sạch tập trung vào sử dụng hiệu quả. Chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thỏa thuận và giải quyết dứt điểm các khoản nợ cho các đơn vị này theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê “dọa” ngừng cấp nước vì nợ tiền điện kéo dài, ngành điện nhiều lần thông báo sẽ ngừng cấp điện. Ảnh: Minh Phương

Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê “dọa” ngừng cấp nước vì nợ tiền điện kéo dài, ngành điện nhiều lần thông báo sẽ ngừng cấp điện. Ảnh: Minh Phương

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu rõ: “Đối với các kiến nghị của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đã giải đáp thắc mắc tại các cuộc họp. Nội dung liên quan đến việc giảm, miễn các loại thuế, phí đã được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra việc khiếu nại, khiếu kiện, gây mất an ninh-trật tự cũng như để xảy ra tình trạng cắt nước đột ngột, vi phạm hợp đồng đã ký kết đối với các tổ chức, cá nhân và hợp đồng sử dụng nước”.

Như Báo Gia Lai phản ánh, ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê trước đó đã gửi đơn “kêu cứu” và “dọa” ngừng cấp nước vì nợ tiền điện kéo dài, không thanh toán khiến ngành điện nhiều lần thông báo sẽ ngừng cấp điện. Hoạt động của doanh nghiệp gặp khó dẫn đến nợ tiền Bảo hiểm xã hội khoảng 600 triệu đồng; nợ khoản thu phí nước thô hơn 400 triệu đồng; nợ tiền thuế, phí bảo vệ môi trường… Lo ngại việc cúp điện, cúp nước sẽ ảnh hưởng an ninh trật tự, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị ngành điện tiếp tục gia hạn thời gian cấp điện cho công ty trên.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).