Người dân Chư Sê khổ sở vì Nhà máy cấp nước gặp sự cố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 4 ngày nay, khoảng 1.400 hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê phải sống khổ vì Nhà máy Cấp nước Chư Sê (Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê) gặp sự cố. Để có nước phục vụ cho ăn uống, kinh doanh, các hộ dân phải đi xách từng can nước giếng ở nơi khác về dùng.

Là hộ kinh doanh quán phở tại tổ 2 (thị trấn Chư Sê), anh Trần Văn Quyến hàng ngày phải đi khắp nơi để xin nước về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và buôn bán.

Mỗi ngày, anh Trần Văn Quyến phải đi xách nước cách nhà cả 1 km để về phục vụ cho kinh doanh, sinh hoạt. Ảnh: Quang Tấn

Mỗi ngày, anh Trần Văn Quyến phải đi xách nước cách nhà cả 1 km để về phục vụ cho kinh doanh, sinh hoạt. Ảnh: Quang Tấn

Anh Quyến bức xúc: “Bình thường, mỗi ngày quán tôi phải tiêu tốn một lượng nước rất lớn từ 1,5 đến 2m3, chưa kể dùng cho sinh hoạt của gia đình. Thế nhưng, khoảng 4 ngày nay, tôi phải dùng can (loại 30 lít) vào làng Kê (cách khoảng 1 km) để xin nước giếng của người dân về phục vụ cho việc kinh doanh, sinh hoạt của gia đình. Để tiết kiệm nước, tôi phải đưa rau, củ vào tận làng để rửa, còn nguyên dàn hoa lan thì để khô khát cả 3 ngày nay.

Tình trạng này tiếp tục kéo dài chắc tôi phải tạm đóng cửa kinh doanh vì quá mệt mỏi khi phải đi chở từng can nước. Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn mà để xảy ra tình trạng như này không thể chấp nhận được, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Tôi mong nhà máy sớm khắc phục sự cố để cấp nước để người dân sinh hoạt bình thường”.

Không kinh doanh buôn bán như hộ anh Quyến nhưng hộ anh Trần Văn Quế (tổ 3, thị trấn Chư Sê) cũng phải đi xách từng can nước giếng về đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Hộ anh Trần Văn Quế cũng khốn khổ vì không có nước sinh hoạt. Ảnh: Quang Tấn

Hộ anh Trần Văn Quế cũng khốn khổ vì không có nước sinh hoạt. Ảnh: Quang Tấn

“Tôi sử dụng nước máy khoảng 7 năm nay nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng này. Trước đây nhà cũng có giếng đào nhưng để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho cả gia đình, tôi đã lấp giếng và chuyển qua dùng nước máy. Thành ra khi nhà máy cúp nước, tôi phải đi xin nước giếng của người dân trong các làng về sử dụng để ăn uống, còn tắm rửa phải vào nhà người quen trong xã Ia Hlốp. Chúng tôi cũng chia sẻ với doanh nghiệp khi nhà máy gặp sự cố nhưng tình trạng cấp nước kéo dài như hiện nay ảnh hướng rất lớn đến việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân”-anh Quế nói.

Theo ông Ngô Thanh Việt-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê, nguyên nhân mất nước do cả 2 bơm hút nước thô (1 bơm hút nước chính và 1 bơm dự phòng) đều bị cháy nên không hút nước được. Hiện đơn vị đang chờ công ty ở TP. Hồ Chí Minh mua gửi về. Công ty cũng đã thông báo cho khách hàng biết thời gian cắt nước có thể phải kéo dài đến ngày 28-4. Nếu thuận lợi, máy về sớm thì chúng tôi sẽ gấp rút lắp ráp và cấp nước ngay cho người dân.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Công-quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê cho hay: “Hiện chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện và làm việc qua điện thoại với phía nhà máy nước. Trong ngày 25-4, nếu nhà máy chưa khắc phục xong sự cố thì chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện sử dụng xe bồn vận chuyển nước đến các cụm dân cư để cấp nước tạm thời cho người dân sinh hoạt. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tuyên truyền các hộ dân không có giếng tranh thủ nguồn nước giếng của các hộ dân lân cận để lấy về dùng tạm trong lúc chờ phía nhà máy khắc phục sự cố”.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.