Tháng ba trên quê hương Ia Dơk anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thăm xã anh hùng Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Con đường từ thị trấn Chư Ty dẫn vào trụ sở UBND xã đã được thảm nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, nằm cạnh vườn cao su, cà phê, hồ tiêu, điều xanh mướt.

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu trên vùng quê anh hùng này.

Mặc dù đã 74 tuổi nhưng ông Rơ Lan Vinh (làng Sung) còn khá minh mẫn. Nhắc lại những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng, ánh mắt người cựu chiến binh sáng lên niềm tự hào. Những năm 1965-1967, ông tham gia công tác giao liên của xã. Hàng ngày, ông đưa công văn, giấy tờ từ xã vào khu căn cứ cách mạng, dẫn đường cho bộ đội tuần tra, nghiên cứu trận địa để đánh địch.

Lúc ấy, lính Mỹ thường vào làng càn quét. Biết được sự thâm hiểm của địch, dân làng luôn tìm cách chống trả. Dù đói khổ song bà con vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên trì bám làng, tích cực lao động sản xuất để góp sức cùng bộ đội đánh đuổi giặc Mỹ. Nhà nào có gạo, có mì đều dành lại phân nửa đem vào rừng tiếp tế cho bộ đội.

“Vào một ngày giữa năm 1967, địch đổ bộ xuống làng càn quét, bắt bớ thanh niên. Lần đó, làng Sung có 5 thanh niên, trong đó có tôi bị chúng kéo lên xe chở về Nhà lao Pleiku. Nhốt ở đây 3 tháng, chúng chuyển chúng tôi ra giam ở Nhà tù Phú Quốc. Đến ngày 24-3-1973, tôi mới được trả tự do”-ông Vinh hồi nhớ.

Cựu chiến binh Rơ Lan Vinh (ở giữa) kể về những năm tháng người dân làng Sung tham gia cách mạng. Ảnh: Đ.Y

Cựu chiến binh Rơ Lan Vinh (ở giữa) kể về những năm tháng người dân làng Sung tham gia cách mạng. Ảnh: Đ.Y

Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), ông Vinh được bầu giữ chức Trưởng thôn, rồi kinh qua các chức vụ như: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã. Đến năm 1999, vì sức khỏe giảm sút, ông xin nghỉ công tác.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà 2 tầng to nhất làng Poong, cựu chiến binh Rơ Mah Mrao cũng hào hứng kể lại một thời làm dân quân, đào hầm, chở lương thực, thực phẩm vào rừng tiếp tế cho bộ đội. Sau năm 1975, ông cũng là người tiên phong vận động dân làng chuyển đổi cây trồng, vào làm công nhân Công ty 74, 75 (Binh đoàn 15), không bán đất. Nhờ đó mà đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

“Sau chiến tranh, cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Mình nghĩ muốn nhanh chóng thoát nghèo phải chịu khó sản xuất. Vì thế, thấy nơi nào đất chưa có chủ là mình khai hoang trồng lúa, mì, bắp, bời lời. Sau đó, bộ đội về làng vận động, hướng dẫn bà con trồng cao su và làm công nhân cho các công ty của Binh đoàn 15. Mình cũng tích cực cùng cán bộ tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang trồng cao su tiểu điền, cà phê, chăn nuôi bò”-ông Mrao kể lại.

Từ 35 ha đất trước chỉ làm lúa rẫy, trồng điều, ông Mrao chuyển sang trồng cao su, cà phê, hồ tiêu. Cách đây hơn 10 năm, giá mủ cao su tăng cao, gia đình ông thu nhập trên 10 triệu đồng/ngày nhờ 20 ha cao su tiểu điền. Từ năm 2013, gia đình ông đã sắm được xe con, xe tải, xe công nông.

“Hiện nay, sau khi chia đất cho các con để sản xuất, vợ chồng tôi còn 10 ha cao su, 4 ha điều, 2 ha cà phê, 6 ha lúa nước, 5 con bò. Thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí khoảng 500-600 triệu đồng/năm”-ông Mrao cho hay.

Từ thành công của gia đình, ông Mrao quan tâm giúp đỡ bà con, lúc thì cho mượn gạo ăn, mượn tiền để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, làng ngày càng có thêm nhiều người thoát nghèo. Hiện nay, làng Poong có đến 80% hộ khá, giàu. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, nhiều hộ xây được nhà ở kiên cố, mua sắm các vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Ông Rơ Mah Brao (đứng giữa; làng Poong, xã Ia Dơk) trò chuyện cùng Bí thư chi bộ làng (bìa phải) về xây dựng nếp sống mới. Ảnh: Đ.Y

Ông Rơ Mah Brao (đứng giữa; làng Poong, xã Ia Dơk) trò chuyện cùng Bí thư chi bộ làng (bìa phải) về xây dựng nếp sống mới. Ảnh: Đ.Y

Nhờ tích cực học hỏi làm ăn, gia đình ông Rơ Mah Doen (làng Dơk Ngol) đã trở thành hộ sản xuất giỏi của xã. Sau khi chia đất cho 5 người con, vợ chồng ông còn 5 ha cao su, 2 cà phê, 1 ha lúa nước, 3 con trâu, 2 con bò; thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. “Cuộc sống của người dân trong làng ngày càng đổi thay. Bây giờ, người dân trong làng không còn lo thiếu gạo vào thời điểm giáp hạt mà tập trung phấn đấu làm giàu”-ông Doen phấn khởi nói.

Ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Sau ngày giải phóng, người dân xã Ia Dơk đã nhanh chóng bắt tay vào làm kinh tế. Hiện tại, toàn xã chỉ còn 330 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Riêng năm 2023, toàn xã đã giảm được 55 hộ nghèo; số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên.

“Được sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được đầu tư khang trang. Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được thực hiện rất tốt. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Thành quả đạt được hôm nay là cơ sở vững chắc để xã Ia Dơk hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025”-Chủ tịch UBND xã tự tin nói.

Có thể bạn quan tâm

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Chuyện gùi hàng về căn cứ

Chuyện gùi hàng về căn cứ

(GLO)- Dốc An Toàn, dốc Ông Hương, đường Ông Dũng, dốc Thò Lò... là những địa danh mà ai đã từng tham gia gùi hàng từ Bình Định, Quảng Ngãi về căn cứ tỉnh Gia Lai trong kháng chiến đều không thể nào quên.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.