Tham gia nhóm "thu nhập 4.0", hai phụ nữ ở TP Quy Nhơn bị lừa gần 1,7 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 17 vụ lừa đảo xin việc làm qua mạng với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 10 tỉ đồng.
Sáng 24-6, Công an TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết vừa tiếp nhận tin báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Trần Thị T. (ngụ phường Trần Phú, TP Quy Nhơn).

Công an khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với các trò chơi kiếm tiền online.
Công an khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với các trò chơi kiếm tiền online.
Theo trình báo của bà T., cách đây vài hôm, bà tình cờ đọc một bài viết trên Facebook "Tuyển công nhân". Sau đó, bà T. được quản trị trang Facebook này thêm vào nhóm Zalo "Nhóm thu nhập 4.0" để tham khảo cách kiếm tiền.
Sau khi tham gia "Nhóm thu nhập 4.0", bà T. được 2 người tự xưng là "thầy cô" hướng dẫn cách kiếm tiền. Qua đó, lần đầu tiên bà T. đặt lệnh thử 500.000 đồng thì thắng được 300.000 đồng.
Thấy kiếm tiền quá dễ dàng, bà T. đặt tiếp 3 lệnh khác với tổng số tiền 720 triệu đồng thì được thông báo thắng gấp đôi. Tuy nhiên, sau đó bà T. không liên lạc được với các số điện thoại đã hướng dẫn bà. Biết mình bị lừa nên bà T. trình báo vụ việc với các cơ quan chức năng.
Tương tự, cuối tháng 5 vừa qua, bà N.T.P. (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đọc được bài viết trên nhóm Facebook "Tuyển Thợ May" có nội dung ai cần thêm thu nhập thì liên hệ đến tài khoản Zalo "PPhuong Thảo". Bà P. nhắn tin đến tài khoản Zalo này tìm hiểu thì được thêm vào nhóm Zalo "Nhóm kiếm thêm thu nhập 4.0" để tham khảo cách kiếm tiền trên trang web "02singapore.com".
Sau 3 ngày "nghiên cứu", bà P. thấy nhiều người thắng được tiền sau khi đặt lệnh "tăng"  - "giảm" trên trang web "02singapore.com" nên muốn tham gia. Trưa 28-5, bà P. chuyển khoản 500.000 đồng vào tài khoản Techcombank số 19038480787011 đứng tên Le Hoang Thanh do đối tượng cung cấp để đặt lệnh theo hướng dẫn. Bà P. thắng được 300.000 đồng, được chuyển vào tài khoản của mình.
Đến sáng 31-5, các đối tượng trên tiếp tục "gợi ý" bà P. nạp nhiều tiền hơn để đặt lệnh lớn hơn, lợi nhuận thu được sẽ cao hơn. Từ sáng 31-5 đến trưa 2-6, bà P. chuyển khoản nhiều lần với tổng số tiền là 376.440.000 đồng để đặt lệnh.

Giao diện trang web kiếm tiền mà bà P. trình báo đã lừa của bà gần 928 triệu đồng
Giao diện trang web kiếm tiền mà bà P. trình báo đã lừa của bà gần 928 triệu đồng
Bà P. được thông báo thắng số tiền 1,575 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi bà thực hiện thao tác rút tiền trên trang web này về tài khoản ngân hàng thì trang web báo lỗi, không cho phép rút tiền.
Sau đó, một đối tượng (chưa rõ lai lịch) sử dụng tài khoản Telegram DVKH TRADE SINGAPORE (@dvkhsingapore) xưng là người chăm sóc khách hàng của sàn giao dịch trên, yêu cầu bà P. đóng phí giáo viên hướng dẫn là 315 triệu đồng thì mới cho phép rút tiền.
Tưởng thật, bà P. chuyển 315 triệu đồng vào tài khoản Le Hoang Thanh vào trưa 3-6. Tuy nhiên, bà vẫn không rút được số tiền đã thắng, mà tiếp tục bị "người chăm sóc khách hàng" yêu cầu chuyển khoản thêm 236.250.000 đồng vào tài khoản Vietcombank số 1028383573 đứng tên Nguyen Van Di để đóng phí hệ thống. Bà P. lại làm theo, chuyển khoản số tiền trên vào chiều 3-6.
Cho đến khi "người chăm sóc khách hàng" tiếp tục yêu cầu chuyển 362.250.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân thì bà P. nghi ngờ bị lừa đảo nên không chuyển nữa. Bà P. đã đến công an trình báo vụ việc trên. Theo bà P., tổng số tiền bà bị lừa gần 928 triệu đồng.
Ngoài 2 người phụ nữ bị lừa gần 1,7 tỉ đồng nói trên, thời gian qua tại tỉnh Bình Định cũng đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 17 vụ lừa đảo xin việc làm qua mạng, khiến nhiều người bị chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng.
Theo Đức Anh (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.