Chú trọng hỗ trợ sinh kế
Trước đây, gia đình chị Vũ Thị Thủy (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ xã ủy thác vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện để đầu tư chuyển đổi 2 ha mía năng suất thấp sang trồng nhãn. Trung bình 1 ha nhãn cho thu hoạch khoảng 10-15 tấn. Với giá bán 27-30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Khánh (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, UBND xã Biển Hồ hỗ trợ 3 con bò sinh sản để gia đình anh làm phương tiện sinh kế. Anh Khánh tâm sự: “Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền xã, gia đình còn được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi heo và thuê 4 sào đất trồng rau màu. Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Vườn nhãn của gia đình chị Vũ Thị Thủy (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) năm nay cho thu hoạch hơn 28 tấn quả. Ảnh: P.N |
Theo bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, hầu hết các hộ nghèo trong xã đều nỗ lực vươn lên trong sản xuất và đời sống; không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Để đồng hành cùng người dân, sau khi rà soát, UBND xã đã kết nối với nguồn quỹ từ thành phố đưa về để hỗ trợ sinh kế hoặc sửa chữa, làm nhà ở cho người dân. Nhờ đó, xã hiện chỉ còn 4 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo.
Trong khi đó, anh Ksor Tinh (làng Sung Le Kắt, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia học lớp sơ cấp nghề xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, anh được người dân trong làng thuê xây dựng các công trình nhỏ.
“Hiện tôi đứng ra thành lập nhóm thợ nhận các công trình xây dựng nhà cửa, hàng rào cho bà con tại địa phương. Từ việc nhận thầu xây dựng, cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong làng. Nhờ được đào tạo nghề mà tôi có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo”-anh Tinh chia sẻ.
Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo
Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt kế hoạch đề ra. Năm 2023, toàn huyện còn 2.001 hộ nghèo, chiếm 10,11%, giảm 419 hộ so với năm 2022.
Ông Nguyễn Triều Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-thông tin: “Từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng đã triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt, TP. Pleiku đã triển khai đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đến thời điểm này, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố là 333 tỷ đồng, với 9.000 khách hàng vay vốn. Nhờ đó, thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,4% (năm 2022) xuống còn 0,24% trong năm 2023”.
Anh Nguyễn Khánh (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Phạm Ngọc |
Theo ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh là huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này.
Đến nay, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 8,11%; trong đó có 28.173 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,05% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo là 35.749 hộ, chiếm tỷ lệ 9,21%; trong đó có 27.876 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 16,87% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
“Thời gian tới, Sở sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở. Hướng dẫn hộ nghèo đổi mới phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Cùng với đó, các địa phương gắn hoạt động tín dụng ưu đãi với các dự án sản xuất, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tăng cường công tác đối thoại với hộ nghèo để xác định các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm.