Tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 có tăng áp lực cho doanh nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đến năm 2020, lương tối thiểu phải đảm bảo đời sống tối thiểu. Nếu mức tăng quá thấp sẽ gia tăng áp lực tăng lương cho doanh nghiệp trong năm tới.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp, thống nhất về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Kết quả bỏ phiếu, 100% Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận với mức tăng 5,3% so với năm 2018.

Theo đó, mức lương tối thiểu người lao động thuộc vùng 1 tăng lên thành 4.180.000 đồng, vùng 2 lên 3.710.000 đồng, vùng 3 lên 3.250.000 đồng, vùng 4 lên 2.920.000 đồng.


 

Phía doanh nghiệp cho rằng việc tăng lương tối thiểu lên 5,3% sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa)
Phía doanh nghiệp cho rằng việc tăng lương tối thiểu lên 5,3% sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa)


Sau khi chốt phương án mức tăng lương tối thiểu năm 2019, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,3% so với năm 2018 sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Thông thường theo kinh nghiệm quốc tế, lương tối thiểu bằng 40%-60% mức lương trung bình. Số còn lại để thương lượng tiếp nhằm tăng năng suất lao động, tăng việc tuân thủ Luật lao động, lao động mẫn cán…từ đó tăng thu nhập thực tế cho người lao động. Nếu chúng ta cứ căn cơ theo lương tối thiểu thì có khi lương tối thiểu cao nhưng thu nhập thực tế lại thấp, không đảm bảo được mức sống của người lao động. Chúng ta phấn đấu xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa về mặt tiền lương, tiền thưởng, việc làm, thì việc duy trì sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cần phải được tính đến”, ông Phòng cho biết.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng, đây là phương án tương đối hài hòa, cả phía doanh nghiệp và người lao động đều có thể chấp nhận được. Dù đại diện phía người lao động muốn tăng lương tối thiểu nhiều hơn, song cũng cần chú ý đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.

“Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp phải vì người lao động. Ở đây, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí khác để trả thêm cho người lao động. Từ đó, người lao động sẽ quay lại phục vụ tốt hơn và sản xuất ổn định, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Huân cho biết thêm.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, mức tăng 5,3% chưa đáp ứng hết nhu cầu sống tối thiểu, nhưng trong điều kiện như hiện nay cũng đã giải quyết được vấn đề cải thiện đời sống cho người lao động và không gây áp lực cho doanh nghiệp.

Ông Lợi cho rằng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa thực sự bức bách và không có nhiều biến động như năm nay, mức tăng 5,3% cũng phần nào giúp cải thiện đời sống người lao động.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp xác định: “Thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Như vậy, chỉ còn 2 năm để kết thúc lộ trình Chính phủ đề ra. Trao đổi về vấn đề, mức tăng lương 5,3% liệu có gây áp lực cho đợt tăng lương tối thiểu năm 2020, ông Lợi cho rằng: “Tôi nghĩ không quá áp lực, nhưng cần tính toán về rổ hàng hóa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động như thế nào là hợp lý.

Nhà nước đang tập trung các giải pháp để giải quyết các vấn đề nhà ở cho công nhân. Chúng tôi cũng đang tham khảo để khảo sát, báo cáo với Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề nhà ở của người có thu nhập thấp khu vực thành thị, khu công nghiệp, thành phố lớn. Hiện nay những đối tượng này đang phải chịu áp lực rất lớn về vấn đề nhà ở, điện nước, học hành của con cái”.

Nguyễn Trang (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.