Song An nỗ lực giảm nghèo về thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, xã Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích để cải thiện cuộc sống.

Đưa thông tin đến với người dân

Giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để từng bước giảm nghèo bền vững theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều đang là vấn đề được các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Tại xã Song An, thời gian qua, cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng, xây dựng nhà ở, trao sinh kế, tạo việc làm và nhiều chính sách khác, địa phương đã chú trọng việc đưa thông tin đến với người dân, từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo trong công tác giảm nghèo.

Nhờ tiếp cận thông tin kịp thời và được hỗ trợ bò giống giúp kinh tế gia đình chị Thái Thị Thanh Thi (thôn An Thượng 2) dần cải thiện. Ảnh: An Nguyên

Nhờ tiếp cận thông tin kịp thời và được hỗ trợ bò giống giúp kinh tế gia đình chị Thái Thị Thanh Thi (thôn An Thượng 2) dần cải thiện. Ảnh: An Nguyên

Chủ tịch UBND xã Khưu Doãn Huân cho hay: Hàng năm, xã đều rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng hộ dân, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo phù hợp. Đặc biệt, xã xác định muốn thoát nghèo bền vững trước hết phải “khơi thông tư tưởng”, giúp người dân hiểu rõ vì sao họ nghèo và muốn thoát nghèo cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Theo đó, xã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức tuyên truyền như: đài truyền thanh, cụm loa, hệ thống pa nô, áp phích, sách, báo, tạp chí, hội thao, liên hoan văn nghệ, hội nghị... Đồng thời, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nòng cốt cơ sở, già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Hiện nay, Đài Truyền thanh xã hàng ngày tiếp sóng chương trình truyền thanh của thị xã An Khê. Ngoài ra, cán bộ văn hóa-thông tin xã chọn lọc từ các văn bản chỉ đạo của cấp trên để ghi âm và đưa vào chương trình truyền thanh. “Thông thường, nội dung thông tin duy trì và phát đi, phát lại trong khoảng 1 tháng, sau đó sẽ điều chỉnh, tùy vào tình hình thực tế. Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên cập nhật, đăng tải những văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến công tác giảm nghèo trên trang thông tin điện tử của xã để người dân thuận tiện truy cập, tìm hiểu. Đồng thời, giới thiệu một số mô hình mới, cách làm hay, gương làm kinh tế giỏi”-bà Phạm Thị Thúy Hồng-công chức Văn hóa-Thông tin xã-cho hay. Ngoài ra, Đảng ủy xã duy trì việc đặt mua các ấn phẩm của Báo Gia Lai phát đến từng chi bộ; lắp đặt và duy trì 6 cụm loa tại các khu vực đông dân cư ở 6 thôn, làng; sử dụng loa cầm tay, loa di động và phát huy các nhóm Zalo trong cộng đồng.

Ông Trần Bá Phương-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thượng 2-thông tin: “Qua khảo sát thực tế hàng năm cho thấy, người dân cần rất nhiều thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật về vấn đề đất đai, giao thông, tài nguyên-môi trường, hôn nhân và gia đình, dân tộc, tôn giáo... Vì vậy, tôi thường xuyên đọc báo, xem ti vi, khi thấy thông tin hữu ích thì ghi chép lại, dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn để cung cấp đến người dân. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận các văn bản liên quan từ cấp trên, tôi đều chủ động lựa chọn các nội dung quan trọng, phát trên loa di động để bà con dễ dàng tiếp cận. Mới đây, thôn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự. Đối với 6 gia đình có công dân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023, chúng tôi đến tận nơi để gặp gỡ, động viên giúp gia đình hiểu rõ hơn về trách nhiệm của thanh niên, môi trường quân ngũ”.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Cùng với đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo về thông tin, cấp ủy, chính quyền địa phương còn triển khai các chính sách, giải pháp thiết thực, nhờ đó, đời sống của người dân ngày một cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Bà Lê Thị Bích Thủy-công chức Văn hóa-Xã hội xã-cho biết: Năm 2022, xã đã tạo điều kiện cho 4 hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền 180 triệu đồng; cấp 100 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và 135 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ giống vật nuôi cho 3 hộ nghèo với tổng kinh phí 30 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp với Tiểu đoàn 14 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), Ban Chỉ huy Quân sự thị xã hỗ trợ giống vật nuôi cho 3 hộ nghèo với tổng kinh phí 35 triệu đồng. Ngoài ra, Sư đoàn 2 còn hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên cựu chiến binh thuộc diện cận nghèo. Năm 2022, xã đã giảm 11 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,7%; giảm 19 hộ cận nghèo, tỷ lệ cận nghèo còn 3,54%.

Nhiều hộ dân làng Pốt chủ động tiếp cận thông tin từ các phương tiện nghe nhìn. Ảnh: Đinh Yến

Nhiều hộ dân làng Pốt chủ động tiếp cận thông tin từ các phương tiện nghe nhìn. Ảnh: Đinh Yến

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng Pốt-ngôi làng có 81 hộ dân tộc thiểu số trong tổng số 83 hộ toàn xã, Trưởng thôn Đinh Chay cho hay: “Trước đây, người dân vẫn còn tâm lý dè dặt, thấy người lạ vào làng thường né tránh. Một số hộ không dám vay vốn phát triển kinh tế; đất đai cằn cỗi cũng không mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên cuộc sống mãi quẩn quanh với cái nghèo. Bây giờ mọi thứ đã khác. Nhờ cán bộ xã tích cực tuyên truyền, vận động rồi “cầm tay chỉ việc”, bà con chịu khó tìm tòi học tập mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp, dễ áp dụng, tiếp nhận nhiều nguồn thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau nên dần thay đổi nhận thức. Phần lớn các hộ dân trong làng đều có phương tiện nghe, nhìn. Làng có 1 cụm với 2 loa truyền thanh. Mỗi khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên cần triển khai đến bà con, cán bộ thôn đọc bằng 2 thứ tiếng Kinh, Bahnar để ai cũng có thể nghe, hiểu và thực hiện”.

Lắng nghe và lựa chọn những thông tin hữu ích để vận dụng vào thực tiễn giúp người dân làng Pốt có sự chuyển biến tích cực trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, xây dựng cuộc sống gia đình. Người dân làng Pốt hiện đang trồng gần 150 ha keo lai và bạch đàn; chăn nuôi gần 2.000 con gia súc, gia cầm. “Dân làng đã hạn chế tụ tập uống rượu, thay vào đó tích cực lao động sản xuất, khi tham gia giao thông thì chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm, đi đúng luật. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, trong làng không còn tình trạng tảo hôn. Làng chỉ còn 7 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo”-ông Chay phấn khởi nói.

Được công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2022, anh Đinh Văn Đeng (làng Pốt) chia sẻ: “Cán bộ thôn, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào, hoạt động. Mình thấy nhiều hộ dân trong làng sau khi áp dụng cách làm ăn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống khá giả hơn nên cũng học hỏi, làm theo. Mình chuyển 2 ha đất rẫy sang trồng cây keo. Diện tích vườn keo khoảng 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Lúc rảnh rỗi, vợ chồng mình đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập”. Anh Đeng cho biết thêm: Cùng với hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo, năm 2022, địa phương còn hỗ trợ gia đình anh 1 con bò sinh sản. “Mình chưa từng chăn nuôi bò nên cần rất nhiều thông tin. Ngoài hướng dẫn của cán bộ địa phương, mình còn xem các chương trình hướng dẫn chăn nuôi trên ti vi, sách báo, nhờ bà con trong làng chỉ bảo. Mình muốn có nhiều kiến thức để nuôi bò khỏe mạnh, mau lớn, có tiền để mua thêm bò, phát triển thành đàn chăn nuôi trong vườn keo”-anh Đeng nói.

Sau khi chồng mất do bạo bệnh, 3 mẹ con chị Thái Thị Thanh Thi (thôn An Thượng 2) cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình chị, năm 2022, xã đã hỗ trợ chị 1 con bò giống làm phương tiện sinh kế. Chi bộ thôn phân công đảng viên phụ trách hộ; Chi hội Phụ nữ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn gia đình tận dụng diện tích đất trống sau nhà trồng cỏ nuôi bò. “Gặp khó khăn gì trong chăn nuôi, mình đều trao đổi với cán bộ và được hỗ trợ nhiệt tình. Từ đó, mình biết cách phòng bệnh, yên tâm chăm sóc gia súc”-chị Thi vui vẻ cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Song An, năm 2023, xã phấn đấu giảm 7 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo, tiếp tục nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa-thông tin và các tuyên truyền viên cấp xã; duy trì, phát huy có hiệu quả đài truyền thanh xã và các cụm loa truyền thanh ở thôn, làng; duy trì việc mua báo, tạp chí và cấp đến từng chi bộ, Ban Nhân dân thôn; sử dụng có hiệu quả các nền tảng mạng xã hội... để cung cấp những thông tin bổ ích qua đó giúp người dân lựa chọn, vận dụng trong thực tế sản xuất và đời sống.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.