Tận tâm với người nghèo
Sau vài cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được bà H’Myữ. Bà cười giải thích: Dịp cuối năm, tôi thường dành thời gian đến từng nhà dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để nắm rõ hơn về hoàn cảnh của từng gia đình. Từ đó, tôi xây dựng kế hoạch kêu gọi nguồn lực hỗ trợ bà con đón Tết Nguyên đán.
Dừng xe trước căn nhà xây khang trang của gia đình ông Ksor Gưn (làng Phung), bà H’Myữ cho biết: Đây là 1 trong 4 căn nhà được bà kêu gọi hỗ trợ xây dựng trong năm 2023. Vì đất sản xuất ít nên thu nhập của gia đình ông Gưn rất bấp bênh. Căn nhà tôn xuống cấp đã nhiều năm nhưng mãi không có kinh phí sửa chữa.
Cuối năm 2022, bà H’Myữ đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để giúp gia đình ông xây nhà mới.
“Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tôi vay mượn thêm 130 triệu đồng để xây căn nhà khang trang. Gia đình tôi cảm ơn bà H’Myữ nhiều lắm”-ông Gưn bày tỏ.
Bà R’Cơm H’Myữ trò chuyện với ông Ksor Gưn trong căn nhà mới do bà kêu gọi nguồn lực hỗ trợ xây dựng. Ảnh: N.H |
Rời nhà ông Gưn, chúng tôi tới thăm gia đình bà Yới ở làng Ia Nueng. Bà Yới kể, do không có đất sản xuất nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Nhiều năm qua, 6 người trong gia đình phải sống trong căn nhà chật chội. Năm 2021, căn nhà bị gió làm tốc mái. May mắn được bà H’Myữ đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình đã đóng góp thêm 15 triệu đồng để xây dựng căn nhà vững chãi.
“Nhờ được hỗ trợ xây nhà, sau đó được UBND xã hỗ trợ 1 con bò từ chương trình nông thôn mới để làm sinh kế, đến cuối năm 2022, gia đình mình đã thoát nghèo”-bà Yới nói.
Bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-cho hay: “Bà H’Myữ là cán bộ tận tâm trong công việc. Bà đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của xã. Bà H’Myữ luôn đặt lợi ích của người dân lên trên. Đặc biệt, bà kêu gọi được nhiều nguồn lực giúp đỡ người dân lúc khó khăn.
Riêng năm 2023, xã có 9 hộ thoát nghèo, trong đó có 4 hộ thoát nghèo nhờ được bà H’Myữ kêu gọi nguồn lực hỗ trợ xây nhà. Đến nay, xã chỉ còn 4 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo”.
Góp sức xây dựng quê hương
Ông Pyơk-Trưởng thôn Ia Nueng-cho hay: Bà H’Myữ đã tích cực tham gia vận động người dân hiến gần 4.000 m2 đất để mở rộng 9 tuyến đường; tích cực di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở; gìn giữ vệ sinh môi trường nhà ở, khu dân cư.
Năm 2019, bà còn vận động hội viên phụ nữ trồng con đường hoa chiều tím dài gần 300 m. Nhờ đó, gần 100% đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa sạch sẽ. Hiện nay, làng không còn hộ nghèo. Cuối năm 2019, làng Ia Nueng đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang tiếp tục nâng cao các tiêu chí.
Đặc biệt, ngay từ khi UBND TP. Pleiku ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng và làng Ốp (phường Hoa Lư), bà H’Myữ đã tiên phong xây dựng nhà sàn truyền thống để tiện cho sinh hoạt và phục vụ cho du khách lưu trú.
Ngoài ra, bà đến tận từng nhà vận động người dân gìn giữ các sản phẩm truyền thống của dân tộc; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc con đường hoa, trồng các loại cây ăn quả phục vụ cho du khách, ai có điều kiện thì xây dựng nhà sàn cho khách lưu trú, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân.
Con đường hoa do bà H'Myữ vận động phụ nữ trong làng trồng và duy trì từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Nhật Hào |
Bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ: Dù có nhiều cống hiến cho công tác giảm nghèo cũng như sự phát triển của địa phương, đặc biệt là góp phần xây dựng làng Ia Nueng trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng nhưng bà H’Myữ lại rất khiêm tốn. Mỗi lần đề xuất các cấp, ngành khen thưởng, bà H’Myữ đều nhường cho người khác. Chúng tôi thường xuyên biểu dương tấm gương đáng quý của bà H’Myữ để cán bộ và người dân trong xã học tập, làm theo.
Ngồi thư giãn dưới gốc đa hàng trăm tuổi, già làng Hmrik vui mừng cho biết: Nhờ có bà H’Myữ góp sức mà làng tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.
Đặc biệt, với sự tích cực tuyên truyền của bà H’Myữ, người dân đã hiểu được việc phát triển làng Ia Nueng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích, ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc còn giúp người dân được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch.
Vì thế, hiện nay, nhiều hộ trong làng đã ủng hộ chủ trương này. Cụ thể, 6 hộ đang xây dựng nhà sàn truyền thống, 2 hộ sẵn sàng nấu các món ăn truyền thống để phục vụ du khách. Ngoài ra, nhiều hộ cũng có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc như duy trì nghề dệt, làm nhạc cụ…