Những nữ cán bộ Mặt trận tận tâm, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là bà Trương Thị Hồng Tất-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tú An (thị xã An Khê) và chị Đinh Thị Byer-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro). Với việc tích cực đóng góp vào công tác giảm nghèo tại địa phương, cả hai vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Gia đình chị Byer (thứ 4 từ trái sang) là hộ duy nhất được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Ảnh: P.D

Gia đình chị Byer (thứ 4 từ trái sang) là hộ duy nhất được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Ảnh: P.D

1. Là gia đình duy nhất được tuyên dương tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chị Byer đã không giấu được niềm vui. Chị chia sẻ: Năm 2013, khi ra ở riêng, gia đình chị được bố mẹ chia cho 2 ha đất để trồng mì, bắp. Song do đất đai cằn cỗi cộng với phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng đạt thấp.

Không cam chịu cảnh nghèo, chị bàn với chồng vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chuyển đổi 1 ha sang trồng chuối. “Nhờ siêng năng, lại học hỏi thêm kinh nghiệm và vận dụng phù hợp nên cây chuối phát triển tốt, cho thu hoạch đều. Mỗi tháng, vợ chồng mình thu hoạch 2 đợt, rồi chở xuống trung tâm huyện bán 4-5 triệu đồng/đợt”-chị Byer phấn khởi kể.

Từ 1 ha, chị Byer mở rộng diện tích chuối lên 2 ha và thuê đất của một vài hộ xung quanh để trồng mì, bắp. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần khởi sắc. Được gia đình 2 bên hỗ trợ đất sản xuất, vợ chồng chị đang sở hữu 3 ha keo lai (2 ha chuẩn bị cho thu hoạch), gần 3 ha mì, 7 sào mía và 3 sào lúa. “Cuối năm 2022, mình chặt bỏ số chuối đã thoái hóa để chuyển sang trồng mì. Sau khi thu hoạch mì, mình tiếp tục trồng chuối, xoay vòng như thế để ổn định nguồn thu nhập”-chị Byer cho hay.

Từ nghèo khó vươn lên phát triển kinh tế, chị Byer được tổ chức tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp. Chị lại càng tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị vận động các hộ dân chuyển đổi diện tích mì, bắp kém hiệu quả sang trồng chuối; tận dụng diện tích đất đồi dốc hoang hóa để trồng keo lai; vận động hộ có đất sản xuất mà thiếu lao động liên kết với hộ có lao động nhưng thiếu đất sản xuất để cùng giúp nhau.

Ông Đinh Văn Đinh-Bí thư Chi bộ làng Húp-nhận xét: Gia đình chị Byer rất chăm chỉ làm ăn và đi đầu trong các phong trào, giúp đỡ dân làng. Học tập gia đình chị Byer, nhiều hộ chuyển đổi diện tích mì, bắp sang trồng chuối (gần 17 ha), trồng mía (gần 80 ha)... Nhờ đó mà đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.

2. Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tú An, bà Trương Thị Hồng Tất đã tích cực tham gia và tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Điển hình là cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và phong trào thi đua “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài tham mưu triển khai mô hình sinh kế cho hộ nghèo, bà Trương Thị Hồng Tất (bìa phải) còn thường xuyên hướng dẫn các hộ chăm sóc đàn vật nuôi. Ảnh: P.D

Ngoài tham mưu triển khai mô hình sinh kế cho hộ nghèo, bà Trương Thị Hồng Tất (bìa phải) còn thường xuyên hướng dẫn các hộ chăm sóc đàn vật nuôi. Ảnh: P.D

Bà Tất cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đề xuất triển khai mô hình phát triển kinh tế, tiếp thêm động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo tại 3 làng dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống. Đó là mô hình nuôi bò sinh sản tại làng Nhoi và làng Hòa Bình (năm 2020); nuôi dê sinh sản tại làng Pơ Nang (năm 2023). Mô hình nuôi bò sinh sản có tổng kinh phí 176 triệu đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê hỗ trợ 110 triệu đồng, phần còn lại do 10 hộ tham gia đối ứng.

Tương tự, mô hình nuôi dê sinh sản có tổng kinh phí 70 triệu đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại là đóng góp của 10 hộ tham gia. “Từ 10 con bò giống, đến nay, đàn bò đã phát triển lên 25 con. Trong 10 hộ tham gia mô hình, 4 hộ đã thoát nghèo. Các hộ tham gia mô hình nuôi dê sinh sản cũng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nên đàn dê 20 con sinh trưởng và phát triển tốt”-bà Tất thông tin.

Vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế, chị Đinh Thị Bao (làng Nhoi) cho biết: “Năm 2021, chồng mình qua đời vì bạo bệnh, con chỉ mới 5 tuổi. 3 sào đất đồi mình trồng keo lai, ngày thì đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ cán bộ Mặt trận xã quan tâm tạo điều kiện, gia đình mình được hỗ trợ 1 con bò giống. Mình làm chuồng nuôi nhốt và chăm sóc cẩn thận. Đến nay, gia đình có thêm 1 con bê”.

Bên cạnh quan tâm hỗ trợ sinh kế, bà Tất cũng chú trọng giúp hộ khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2021-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã kêu gọi và tiếp nhận các nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà, sửa chữa 11 căn với tổng trị giá gần 600 triệu đồng; hỗ trợ 9 triệu đồng cho 3 hộ nghèo xây dựng nhà vệ sinh. Đồng thời, tham mưu Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ 110 triệu đồng để trao sinh kế (heo, bò) cho 15 hộ nghèo, cận nghèo...

Với sự năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm, bà Tất đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2021; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022; đảng viên tiêu biểu được Bí thư Thị ủy An Khê tuyên dương nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ thị xã; là 1 trong 5 cá nhân tiêu biểu toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân là tiết khí đầu tiên trong năm, ngày Lập xuân ở khía cạnh nào đó có thể coi là thời điểm bắt đầu năm mới, vậy Lập xuân 2025 là ngày nào?

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.