Quyết liệt xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Hàng loạt trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương có tình hình TTATGT diễn biến khá phức tạp. Thiếu tá Nguyễn Hữu Chí-Đội trưởng Đội CSGT-Trật tự (Công an huyện Chư Pưh) thông tin: Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm, trên cơ sở rà soát, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình TTATGT, Công an huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT. Đặc biệt, lực lượng CSGT phối hợp với Công an các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT. Đồng thời, đơn vị bố trí các tổ công tác tiến hành tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, tụ tập điều khiển xe mô tô phóng nhanh, lạng lách và đối tượng thanh-thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện. Sau 4 ngày ra quân, Công an huyện đã lập biên bản 45 trường hợp vi phạm, tạm giữ 16 xe mô tô, 29 giấy tờ các loại và đã ra quyết định xử phạt 13 trường hợp với số tiền hơn 21 triệu đồng.
Theo ghi nhận của P.V, trong những ngày đầu ra quân đợt cao điểm bảo đảm TTATGT tại các địa phương, công tác tuần tra, kiểm soát được lực lượng Công an thực hiện xuyên suốt. Đại bộ phận người dân đã ý thức hơn trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hoạt động giao thông diễn ra trật tự và nền nếp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ý thức chưa cao, thậm chí cố tình vi phạm. Điển hình như trường hợp anh T.G.Q. (SN 1982, trú tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) bị lực lượng CSGT Công an huyện Chư Pưh lập biên bản về hành vi vi phạm nồng độ cồn đã nêu lý do: “Tôi biết điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia là vi phạm, nhưng do đang làm việc cho một công trình xây dựng trên địa bàn huyện, công việc cả ngày mệt mỏi nên có uống một ít để giải mỏi thôi”. Tương tự là trường hợp tài xế N.V.D. (trú tại xã Tơ Tung, huyện Kbang) điều khiển xe tải BKS 81C-159.24 chở mía bị lực lượng CSGT Công an thị xã An Khê lập biên bản vi phạm về tải trọng đã phân bua: “Do rẫy mía ở xa, số lượng mía còn lại ít nên tôi cố gắng vận chuyển một lần cho hết mà không biết đã vi phạm tải trọng”.
Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh) cân trọng tải phương tiện. Ảnh: Lê Anh
Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh) cân trọng tải phương tiện. Ảnh: Lê Anh
Mỗi người điều khiển phương tiện giao thông đều có lý do để giải thích cho hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo đảm TTATGT trên địa bàn, lực lượng CSGT đã xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm. Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an tỉnh), sau 4 ngày ra quân thực hiện đợt cao điểm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 1.742 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 13 ô tô, 299 xe mô tô, tước 64 giấy phép lái xe các loại và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 840 triệu đồng. Trong số đó có 61 trường hợp vi phạm tốc độ, 204 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 43 trường hợp chở quá khổ, quá tải, 101 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 89 trường hợp không có giấy phép lái xe...
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) nhận định: Thực tế cho thấy, qua các đợt cao điểm và triển khai thực hiện các chuyên đề, tình hình TTATGT có những chuyển biến rõ nét. Ý thức của người tham gia giao thông đã được cải thiện. Bởi lẽ, trong các đợt tuần tra, kiểm soát, ngoài việc xử phạt để răn đe, lực lượng CSGT cũng kết hợp tuyên truyền, tác động mạnh đến ý thức của người dân và chủ các đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải… Tuy nhiên, để tình hình TTATGT chuyển biến một cách bền vững, ngoài nỗ lực của lực lượng Công an thì chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần có sự vào cuộc quyết liệt, huy động mạnh mẽ cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.