Quan tâm tạo việc làm cho lao động nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ chủ động kết nối, tạo việc làm cho lao động nữ đi làm ăn xa trở về địa phương tránh dịch Covid-19.
Xưởng may gia công của chị Hoàng Thị Cúc (thôn 2, xã Hà Tam) hiện có trên 30 lao động nữ tại địa phương. Chị Cúc cho biết, xưởng đang ký hợp đồng may đồ bảo hộ phòng-chống Covid-19 cho Bộ Y tế. Do vừa sản xuất vừa đảm bảo quy định phòng-chống dịch, xưởng chỉ hoạt động một nửa công suất. “Từ nay đến cuối năm, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xưởng sẽ mở rộng khoảng 100 bàn may và cần thêm khá nhiều lao động”-chị Cúc thông tin.
Lao động nữ làm việc tại xưởng may của chị Cúc có thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/tháng. Lao động mới được nhận mức lương 3 triệu đồng/tháng để vừa học, vừa làm. Từ tháng thứ 2 trở đi, mức lương tăng lên theo sản phẩm. Chị em có thu nhập một phần nhờ Hội LHPN huyện Đak Pơ kết nối với đơn vị sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, trong đó có nhiều lao động dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: “Lao động nữ trở về từ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đang thực hiện cách ly tập trung tại địa phương. Vì vậy, Hội cần tìm các giải pháp để hỗ trợ, tạo việc làm cho chị em sau khi hoàn thành cách ly. Đây là vấn đề cấp thiết để chị em có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã tìm hiểu xưởng may của chị Cúc, kết nối để chị em sau khi thực hiện xong cách ly có thể vào làm việc ngay. Các chị có việc làm, thu nhập sẽ giải quyết khó khăn trước mắt cũng như ổn định cuộc sống sau này”. 
Xưởng may gia công của chị Hoàng Thị Cúc (thôn 2, xã Hà Tam) hiện có trên 30 lao động nữ tại địa phương. Ảnh: Hoàng Ngọc
Xưởng may gia công của chị Hoàng Thị Cúc (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) hiện có trên 30 lao động nữ tại địa phương. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Hoàng Thị Cúc là thợ may lành nghề, ước mơ mở một xưởng may quy mô để vừa phát triển cơ sở vừa giúp được nhiều chị em ở địa phương. Nhờ sự hỗ trợ của người bạn đời và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chị đã thực hiện được mơ ước ngay trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Chị chia sẻ: “Khi lấy chồng về Hà Tam sinh sống, tôi thấy cuộc sống của nhiều phụ nữ ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, không có thêm nguồn thu nào khác. Địa phương chưa có nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất để giúp các chị có thêm việc làm, tăng thu nhập. Từ thực tế đó, tôi chia sẻ với chồng ý định mở một xưởng may gia công với mong ước tạo thêm việc làm để chị em không vì khó khăn mà phải xa xứ mưu sinh nữa. Tôi thấy quyết định của mình đúng đắn bởi lực lượng lao động nữ tại địa phương rất dồi dào, họ lại chăm chỉ, chịu khó. Tôi sẵn sàng nhận thêm các chị vừa trở về địa phương sau đợt dịch vừa qua vào làm việc. Hiện tại, chúng tôi cũng đang rất cần lao động”.
Theo chị Cúc, nhiều lao động nữ vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương có sẵn tay nghề may mặc nên không cần qua đào tạo, có thể bắt tay vào làm việc ngay khi hết thời gian cách ly. “Nhờ sự kết nối của Hội LHPN huyện nên chúng tôi tiếp cận được với lực lượng lao động có tay nghề này mà không mất thời gian tìm kiếm”-chị Cúc nói.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ cho biết thêm: Không chỉ tìm giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm cho lực lượng lao động nữ mới trở về địa phương, đối với lao động nữ ở nông thôn, Hội LHPN huyện cũng đã có các hoạt động tiếp sức như: liên kết dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; bảo lãnh vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để giúp phụ nữ có điều kiện thực hiện các ý tưởng, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp, đầu tư sản xuất… Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn. Đối với lực lượng lao động nữ, chúng tôi cố gắng tìm kiếm, kết nối để chị em có công việc phù hợp và thu nhập ổn định, chủ động cuộc sống, từ đó dần hạn chế đi làm ăn xa. Đây cũng là cơ sở để thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.