Quản lý rừng bằng công nghệ QGIS

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gần đây, 3 công chức trẻ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã ứng dụng phần mềm QGIS (Quantum-Geographic Information System), số hóa cơ sở dữ liệu để giám sát, quản lý, theo dõi và phát hiện sớm tình trạng xâm phạm rừng trên địa bàn tỉnh. Thông qua công nghệ, ảnh viễn thám, việc kiểm tra hiện trạng rừng trở nên nhanh chóng và chính xác.

Anh Hoàng Văn Khuyến-Bí thư Chi Đoàn Chi cục Kiểm lâm, thành viên nhóm nghiên cứu-chia sẻ: Hoạt động quản lý, bảo vệ rừng lâu nay luôn gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng quá lớn, tiếp giáp với nhiều địa phương, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ mỏng. Vì vậy, việc tuần tra dù thường xuyên vẫn khó có thể bao quát hết các khu vực, dẫn đến một số diện tích rừng bị mất cũng như vi phạm chậm được phát hiện, xử lý.

Từ thực tế đó, đầu năm 2022, anh Khuyến cùng 2 đồng nghiệp là Hồ Quốc Thịnh, Nguyễn Văn Tú (công tác tại Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã nghiên cứu, số hóa cơ sở dữ liệu lên phần mềm QGIS. Đây là phần mềm tự do về hệ thống thông tin địa lý, tính năng chính của QGIS là thao tác trên các lớp bản đồ có dạng véc tơ.

Khi áp dụng QGIS vào hoạt động của đơn vị, nhóm tác giả đã cài đặt, tích hợp các thông tin liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh và chuyển dữ liệu các bản đồ lên hệ thống định vị toàn cầu. Phần mềm này gồm có: bản đồ lâm nghiệp đồng bộ có hệ thống vệ tinh; địa giới hành chính, vị trí lô, khoảnh, tiểu khu; diện tích rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng, đất chưa có rừng)…

Nhóm tác giả cùng lãnh đạo Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra, bổ sung số liệu cho phần mềm QGIS. Ảnh: Minh Nhật

Nhóm tác giả cùng lãnh đạo Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra, bổ sung số liệu cho phần mềm QGIS. Ảnh: Minh Nhật

Sau khi tích hợp các thông tin, nhóm tác giả đã chuyển đổi từ bản đồ trong QGIS ở máy tính sang các định dạng mbtiles, Kml, kmz, Gsx… để sử dụng trên smartphone thông qua phần mềm Locus Map, Earth, FRMS Mobile, Geo2GPS, GeoSurrvey, Vtool… nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra thực địa. Nhóm tác giả cập nhật thường xuyên số liệu về tài nguyên rừng, diễn biến rừng cho ứng dụng của mình.

Tại Hội trại “Thanh niên sáng tạo-Tiên phong chuyển đổi số” tổ chức vào giữa tháng 3-2023, nhóm tác giả đã được Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2022.

Chia sẻ về tính hiệu quả của ứng dụng, anh Nguyễn Văn Tú cho biết: “Trước đây, mỗi lần kiểm tra thực địa hiện trạng rừng, chúng tôi phải mang theo rất nhiều dụng cụ như: bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… Bên cạnh đó, việc kiểm tra tốn nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả không cao, xác minh các vụ việc liên quan đến diễn biến của rừng gặp khó khăn. Nhờ ứng dụng công nghệ phần mềm QGIS tích hợp trong chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ cơ sở dữ liệu, cán bộ kiểm lâm có thể xác định rất nhiều thông tin, đối chiếu, kiểm tra rất nhanh hiện trạng rừng”.

Với việc ứng dụng công nghệ QGIS, cán bộ kiểm lâm khi truy cập có thể theo dõi biến động rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp để so sánh, đối chiếu giữa ảnh cũ và ảnh mới; kịp thời phát hiện chính xác thời gian, địa giới hành chính, khu vực rừng có dấu hiệu biến động. Từ nguồn thông tin này, công tác kiểm tra thực địa của đội ngũ cán bộ kiểm lâm thuận lợi, chính xác hơn.

Anh Hoàng Văn Khuyến (bìa trái) đại diện nhóm tác giả nhận giấy khen “Tuổi trẻ sáng tạo” và gương “Thanh niên học tập và làm theo Bác” do Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao tặng. Ảnh: Minh Nhật

Anh Hoàng Văn Khuyến (bìa trái) đại diện nhóm tác giả nhận giấy khen “Tuổi trẻ sáng tạo” và gương “Thanh niên học tập và làm theo Bác” do Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao tặng. Ảnh: Minh Nhật

Phần mềm còn phát huy tác dụng trong trường hợp cần phối hợp ngay với lực lượng Kiểm lâm địa bàn. Chỉ cần truy cập phần mềm sẽ biết được thông tin của kiểm lâm phụ trách địa bàn, số điện thoại liên lạc, đơn vị công tác, tổng diện tích giao quản lý và tọa độ, địa chỉ với độ chính xác cao. Nhờ những thông tin này, lực lượng Kiểm lâm kịp thời huy động nhân sự và phương tiện để tiếp cận hiện trường trong trường hợp xảy ra cháy rừng hay sạt lở.

Với những giá trị mang lại, hiện nay, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã trong tỉnh đều sử dụng phần mềm QGIS. Từ ngày 11-12-2022 đến 4-4-2023, nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đã phát hiện 61 vụ vi phạm, trong đó có 6 vụ phá rừng với diện tích 1,677 ha.

Đánh giá về kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Với đặc thù quản lý diện tích rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng, công tác tổ chức tuần tra, nắm bắt thông tin về diễn biến rừng trước đây gặp nhiều khó khăn.

Sau khi áp dụng phần mềm QGIS, lực lượng Kiểm lâm biết được chính xác thời gian, vị trí, diện tích rừng bị biến động để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời. Việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng và có độ chính xác cao, tiết kiệm về nhân lực và chi phí. Sáng kiến của nhóm tác giả đã giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Phạm Quý

UBND tỉnh Gia Lai cảm ơn các đơn vị đóng góp vào thành công của Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Ban Tổ chức Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 vừa gửi thư cảm ơn đến các đơn vị, trong đó có Báo Gia Lai vì đã góp phần vào thành công của Tuần lễ Hoa, đặc biệt là Chương trình nghệ thuật "Vũ khúc Dã quỳ-Chư Đang Ya 2024".