Phụ nữ tự tin hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt lên những định kiến về giới, không ngừng rèn luyện kỹ năng, trau dồi tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống đã giúp nhiều phụ nữ tự tin vào bản thân, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Tự tin và trí tuệ
Năm 2021, dự án “Sản xuất và chế biến cà phê theo quy trình Honey” của chị Trịnh Thị Lương (Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee) đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”. Vượt qua hàng ngàn ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ cả nước để lọt vào vòng chung khảo, dự án là minh chứng cho trí tuệ, sự sáng tạo của phụ nữ Gia Lai trong hành trình phát triển và hội nhập.
Ở các cuộc thi khởi nghiệp trước đó, phụ nữ Gia Lai cũng đều khẳng định được bản lĩnh và khả năng hội nhập khi liên tiếp có những ý tưởng được đánh giá cao. Năm 2020, Gia Lai có 2 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo-Kết nối thành công” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Chị Trịnh Thị Lương chia sẻ về dự án khởi nghiệp đầy tự tin: “Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chúng tôi đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm cà phê bột, phin túi lọc, hòa tan... được thị trường đón nhận, đạt chứng nhận như: sản phẩm OCOP cấp tỉnh 2019, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Đây là phương pháp chế biến cà phê mới mẻ, chỉ chọn những quả chín khi thu hái để hàm lượng đường trong quả đạt mức cao nhất, chất lượng tốt nhất, đưa vào sơ chế và chế biến theo công nghệ hiện đại. Hiện sản phẩm đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch, kênh phân phối nhỏ, siêu thị mi ni, quán cà phê và kênh bán lẻ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tham quan khu vực trưng bày sản phẩm cà phê, hạt điều... của các nữ doanh nhân bên lề Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Minh Châu
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tham quan khu vực trưng bày sản phẩm cà phê, hạt điều... của các nữ doanh nhân bên lề Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Minh Châu
Ở các lĩnh vực khác, phụ nữ Gia Lai cũng có những thành tựu nổi bật. Lĩnh vực kinh tế ghi nhận những gương mặt “nữ tướng” làm kinh tế giỏi như: bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi đã đứng mũi chịu sào, chèo lái Công ty và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 để ngày càng phát triển vững mạnh, làm từ thiện hiệu quả; bà Đặng Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phạm Dực đã lãnh đạo doanh nghiệp “ăn nên làm ra” và đoàn kết, tập hợp các nữ doanh nhân cùng phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp... 
Còn lĩnh vực nghiên cứu khoa học-địa hạt mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế, Gia Lai có những nhà khoa học nữ với nhiều công trình giá trị. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa-lịch sử Bắc Tây Nguyên. Một số công trình của bà trở thành tài liệu tham khảo hoặc gợi ý nghiên cứu ở tầng mức sâu hơn các vấn đề về lịch sử, văn hóa bản địa Tây Nguyên. Hay Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương là người có công gầy dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh. Nhiều thế hệ học trò được cô hướng dẫn đều đạt thành tích cao trong sân chơi trí tuệ dành cho học sinh cả nước. Nữ tiến sĩ cũng là người sáng lập Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên với chức năng tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với mục tiêu góp phần phát triển khoa học kỹ thuật cho tỉnh, đồng thời hỗ trợ cộng đồng nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, nữ Trung tá Ksor H’Bơ Khắp-đại biểu Quốc hội khóa XIV, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa là gương mặt nữ trí thức tiêu biểu cho thế hệ 8X. Không chỉ là chất vấn thẳng thắn về những vấn đề nóng hiện nay như điện năng lượng mặt trời, thủy điện hay suy giảm diện tích rừng tại nghị trường Quốc hội khóa XIV mà những đóng góp của bà Ksor H’Bơ Khắp ngay trên quê hương được ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: “Nữ trí thức trẻ người Jrai (Ksor H’Bơ Khắp) có nhiều phẩm chất đáng để người trẻ học hỏi. Đó là một người trẻ yêu nước và luôn có khát vọng cống hiến”.
Tiếp cận công nghệ  4.0
Với bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin, phụ nữ Gia Lai đã có nhiều cống hiến, đóng góp trên các lĩnh vực, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Cảm-thôn Thanh Giá, xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) là gương điển hình trong phong trào khởi nghiệp của huyện biên giới khi đã chạm ngưỡng tuổi 60. Sự thành công với sản phẩm cà phê sạch từ quy trình trồng, thu hái đến ly cà phê mang thương hiệu Phát Huy của bà Cảm cho thấy giá trị sự tự tin và tri thức của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Bà khẳng định: “Công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội cho người phụ nữ. Nếu ở lĩnh vực giáo dục, tôi có 37 năm làm một người thầy trên bục giảng thì với ngành cà phê, tôi là một học trò mới phải học hỏi từ đầu. Nhưng nhờ có công nghệ 4.0, hệ thống máy móc rang xay hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất đã rút ngắn đáng kể thời gian cho quá trình khởi nghiệp khi tôi không còn ở độ tuổi trẻ trung. Do đó, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để hội nhập sẽ giúp phụ nữ tự tin và tham gia vào các lĩnh vực lâu nay vốn là ưu thế của đàn ông”.
Hội LHPN tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp trong thời đại 4.0. Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp trong thời đại 4.0. Ảnh: Minh Châu
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-chia sẻ: Hội LHPN luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho hội viên và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ kết hợp nền tảng tri thức vững chắc chính là góp phần thực hiện chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam, đồng thời giúp phụ nữ tự tin hội nhập. “Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2021-2026) xác định đây là một trong những khâu đột phá để hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ. 2 khâu đột phá đó là “Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động Hội” và “Đồng hành xây dựng chi hội vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Gia Lai thời kỳ mới: tiến bộ trong nhận thức, sáng tạo trong hành động, trách nhiệm với cộng đồng” kết hợp thực hiện nội dung Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Hội LHPN tỉnh dự kiến tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn để chia sẻ cơ hội, thách thức của phụ nữ trong thời đại 4.0, giúp chị em ngày càng tiếp cận gần hơn với cơ hội bình đẳng và phát triển. Đây cũng là hướng đi mới của Hội trong ứng dụng công nghệ để thích ứng với đại dịch Covid-19. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đòi hỏi nhân lực nữ có trình độ cao, biết ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Các dự án khởi nghiệp của phụ nữ Gia Lai là minh chứng rất rõ cho điều này. Đó đều là những dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.