Phụ nữ Chư A Thai sáng tạo gây quỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua hình thức lao động tập thể, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng nguồn quỹ giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Đây là mô hình không chỉ giúp chị em tăng thu nhập mà còn góp phần giải quyết bài toán về lao động tại địa phương.
Chị Đinh Thị Rét-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pông-cho biết: Trước đây, việc vận động hội viên vào sinh hoạt hội đã khó, gây quỹ càng khó hơn vì đời sống của chị em đa phần còn thấp. Nhằm đẩy mạnh phong trào của Chi hội, chị em đã họp bàn thành lập mô hình lao động tập thể gây quỹ. Thông qua mô hình, chị em từng bước xây dựng nguồn quỹ, không chỉ phục vụ cho các hoạt động chung mà còn tích lũy nguồn vốn giúp hội viên phụ nữ nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để chị em giao lưu, gắn kết với nhau.
Năm 2018, tổ lao động tập thể gây quỹ đầu tiên của Chi hội Phụ nữ làng Pông được thành lập gồm 18 thành viên. Đến nay, Chi hội đã phát triển được 4 tổ lao động tập thể với 90 thành viên. Công việc của chị em rất đa dạng, từ chặt mía, nhổ mì, cấy lúa đến hái đậu. Khối lượng công việc nhiều thì tập trung cả tổ, ít thì chia nhau 5 đến 10 chị em tham gia. Công việc thường được gói gọn trong 1 ngày, nhưng cũng có khi kéo dài 2-3 ngày. Vì vậy, trưởng nhóm có nhiệm vụ bố trí nhân lực cũng như nhận khoán công việc sao cho chị em không bị thiệt thòi khi tính công. Thông thường, thù lao ngày công của chị em là 170.000 đồng/ngày, nếu nhận khoán thì khoảng 250.000-300.000 đồng/ngày. Mỗi đợt làm công, chị em thường trích lại 1 ngày công để gây quỹ, phần còn lại phục vụ chi tiêu trong gia đình.
Chị Đinh H’Nhan (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được tổ lao động tập thể hỗ trợ vốn mua bò. Ảnh: Vũ Chi
Chị Đinh H’Nhan (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được tổ lao động tập thể hỗ trợ vốn mua bò. Ảnh: Vũ Chi
Sau hơn 2 năm thành lập, tổ lao động tập thể số 1 làng Pông đã tiết kiệm được 19 triệu đồng. Ngoài sử dụng cho các hoạt động thăm hỏi hội viên ốm đau, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, số tiền này được chị em thống nhất cho các hội viên khó khăn vay không tính lãi để phát triển kinh tế hay giải quyết khó khăn đột xuất. Bình quân mỗi năm có 2-3 chị được vay vốn từ nguồn quỹ này. Đến nay, 4 chị thoát nghèo nhờ mô hình này, góp phần kéo giảm số hội viên nghèo của làng xuống còn 21 hộ.
Mặc dù thoát nghèo năm 2019 nhưng gia đình chị Siu H’Nhoen còn khó khăn bởi cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước. Từ khi tham gia tổ lao động tập thể gây quỹ, chị H’Nhoen được chị em trong tổ giới thiệu việc làm để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, từ nguồn quỹ do chính mình và chị em đóng góp, đầu năm 2021, chị được tổ cho vay 4 triệu đồng mua 1 cặp dê giống. Chị H’Nhoen chia sẻ: “Không chỉ được tạo việc làm, mình còn được chị em cho vay vốn không tính lãi. Ngày dắt 2 con dê về, mình mừng lắm. Mấy đứa nhỏ cũng vui theo, ngày nào cũng chăm chỉ cắt cỏ cho dê ăn để chóng lớn”.
Ngoài việc nhận làm khoán gây quỹ lúc nông nhàn, chị em trong tổ còn tổ chức làm đổi công cho nhau theo hình thức luân phiên, nhà nào có việc cần làm trước thì chị em tập trung giúp trước, nhà nào chưa vội thì giúp sau. Nhờ vậy, chị em giảm được số tiền thuê nhân công. Từ năm 2018 đến nay, tổ đã thực hiện được 120 ngày công, giúp 25 chị em trong tổ sản xuất mùa vụ. Vụ mùa năm 2021, tổ tập trung giúp chị Rah Lan H’Lan cấy dặm 3 sào lúa nước. Chị H’Lan cho biết: “Tôi sống một mình nên mỗi khi đến mùa thường gặp khó khăn do thiếu lao động. Vụ mùa này, 3 sào lúa gieo sạ gặp mưa lớn nên lúa chết nhiều. Chị em trong tổ thấy vậy tập trung giúp tôi nhổ mạ, cấy dặm cho kịp vụ. Đến giờ, 3 sào lúa đã xanh tốt”.
Tổ lao động tập thể gây quỹ số 1 (thôn Plei Pông, xã Chư A Thai) cấy dặm lúa giúp chị Rah Lan H'Lan.Ảnh.Vũ Chi
Tổ lao động tập thể gây quỹ số 1 (làng Pông, xã Chư A Thai) cấy dặm lúa giúp chị H'Lan. Ảnh: Vũ Chi

 
Ngoài làng Pông, mô hình lao động tập thể xây dựng quỹ Hội gắn với giúp nhau làm kinh tế cũng đang từng bước phát huy hiệu quả tại thôn Hải Yên. Theo chị Nguyễn Thị Hương-Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Hải Yên, tổ lao động tập thể của thôn có 9 thành viên. Ngoài nhận khoán làm cỏ, bón phân, nhổ mì… chị em còn thường xuyên trồng con đường hoa, giúp gia đình khó khăn làm vườn rau. Sau 2 năm thành lập, tổ đã xây dựng được nguồn quỹ 10 triệu đồng cho chị em hội viên vay không tính lãi, tặng quà cho trẻ em nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức gặp mặt, giao lưu nhân các ngày lễ, Tết… 
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư A Thai-chia sẻ: Thực tế cho thấy, những chi hội có cách làm sáng tạo trong gây quỹ thì các phong trào phát triển mạnh, chất lượng hoạt động nâng lên rõ rệt. Vì vậy, Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội linh hoạt áp dụng mô hình, phương thức gây quỹ phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, mô hình lao động tập thể gây quỹ được nhiều đơn vị áp dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ nhân rộng mô hình này tại các chi hội còn lại nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em, góp phần xây dựng làng nông thôn mới tại địa phương.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.