Nhiều giải pháp sát sườn đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống thiên tai (PCTT), CNCH theo phương châm “4 tại chỗ” trong thời gian tới.
Đại tá Lê Tuấn Hiền-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Những kết quả đáng ghi nhận
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Lê Trọng Thủy-Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh-cho biết: “Quán triệt thực hiện nghiêm nghị quyết, mệnh lệnh, chỉ thị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện PCTT, tìm kiếm CNCH của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện cho các đối tượng chặt chẽ, nghiêm túc, sát mục tiêu, yêu cầu, phương châm huấn luyện.
Kết quả kiểm tra, 100% đạt yêu cầu, có 76-82,3% trở lên đạt khá và giỏi, nâng cao chất lượng huấn luyện bơi, huấn luyện CNCH, huấn luyện quân y, phòng cháy, chữa cháy... Cùng với đó, phối hợp tổ chức tốt diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023 và chỉ đạo tổ chức 2 đợt diễn tập phòng thủ dân sự về PCTT, tìm kiếm cứu nạn do mưa bão ở cấp huyện”.
Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trao giấy khen cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT, CNCH. Ảnh: H.D |
Dịp này, Bộ CHQS tỉnh đã khen thưởng 7 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.
Hiện lực lượng CNCH trong lực lượng vũ trang tỉnh có tổng quân số 4.175 người, trong đó, bộ đội thường trực 605 người, lực lượng nòng cốt trong dân quân tự vệ 1.700 người, dự bị động viên 1.870 người. Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các địa phương thành lập các đội xung kích PCTT, nòng cốt là lực lượng dân quân cơ động và dân quân tại chỗ để sẵn sàng huy động xử trí các tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh yếu tố con người, việc mua sắm trang-thiết bị phục vụ công tác PCTT, CNCH cũng được quan tâm đầu tư. Các ban CHQS cấp huyện ở vùng trọng điểm lũ lụt như Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, Krông Pa đều được trang bị ca nô, máy đẩy, tổ chức bảo quản, bảo dưỡng, huấn luyện chặt chẽ.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 xuồng, ca nô, máy đẩy các loại; tổ chức dự trữ 3.144 phao tròn, 1.730 áo phao, 15 phao bè, 19 máy phát điện, 2 máy thổi gió, 2 máy bơm chữa cháy công suất cao, 182 nhà bạt, 1 bộ thiết bị bắn dây mồi và nhiều trang-thiết bị, vật chất sẵn sàng huy động, bảo đảm cho nhiệm vụ CNCH.
Thượng tá Phạm Quang Hưng-Chính trị viên Ban CHQS huyện Ia Pa-cho biết: “Ia Pa ở vùng hạ lưu sông Ba và sông Ayun, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ do các thủy điện xả lũ. Sạt lở bờ sông ở Ia Pa khá nghiêm trọng, huyện đang có dự án kè cho 3 điểm sạt lở để từng bước khắc phục.
Thời gian qua, Đảng ủy Quân sự huyện đã tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Huyện được trang bị 3 ca nô và các phương tiện như: phao cứu sinh, nhà bạt… Tuy nhiên, ý thức phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai của người dân còn hạn chế”.
Còn Thượng tá Hà Chí Linh-Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Ayun Pa thì cho hay: Trên địa bàn thị xã có sông Ayun và sông Ba nên đến mùa mưa lũ thường bị ngập cục bộ. Vì vậy, thời gian qua, thị xã thường xuyên kiểm tra để chuẩn bị sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. 10 năm qua, trên địa bàn chưa xảy ra sự vụ lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Vì lực lượng ít nên thị xã cũng chủ động trong công tác phối hợp, chủ yếu là với lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy mỗi khi có tình huống xảy ra. Tuy nhiên, trang-thiết bị CNCH còn hạn chế, nhất là khi tình huống xảy ra vào ban đêm thì gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ”
Theo Đại tá Lê Tuấn Hiền: “Phòng chống thiên tai, CNCH là cuộc “chiến đấu” của lực lượng vũ trang trong thời bình. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, đó là nhận thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ, chưa toàn diện, còn biểu hiện chủ quan, bị động; nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát thực tế; bồi dưỡng cán bộ, tổ chức huấn luyện chưa đạt yêu cầu khiến công tác CNCH chưa đảm bảo; nhiều địa phương triển khai công tác này còn hạn chế; phương tiện, thiết bị chưa phát huy được hiệu quả; công tác hiệp đồng còn chưa toàn diện”.
Ngành điện Gia Lai kiểm tra hành lang an toàn lưới điện mùa mưa bão. Ảnh: Hà Duy |
Tại hội nghị, đại diện ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác PCTT, thảm họa, CNCH thời gian đến, trong đó, tập trung vào các nội dung như: tích cực tổ chức huấn luyện, diễn tập cho lực lượng làm công tác CNCH với các tình huống sát thực tế; tăng cường cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ PCTT, CNCH...
Dự báo trong những năm tới, thiên tai có xu hướng tăng lên về cường độ và tính chất nghiêm trọng; tần suất các cơn bão hình thành và đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, cháy nổ, cháy rừng, rét đậm, rét hại, dịch bệnh tiếp tục diễn ra nhiều hơn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CNCH trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Tuần lễ Quốc gia phòng-chống thiên tai năm 2024
Quy hoạch phòng-chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030
Đại tá Lê Tuấn Hiền nhấn mạnh: “Thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nhận thức rõ việc phòng-chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Riêng đối với lực lượng vũ trang, đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, từ đó làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quán triệt và thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án PCTT, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự ở các cấp; chủ động kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Hợp thức hóa chứng nhận phương tiện CNCH, chứng chỉ cho người thực hiện CNCH”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục khảo sát bản đồ các địa điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai, bão lũ; nâng cao chất lượng huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng chuyên sâu, phù hợp với đặc điểm của đơn vị, trước mắt là diễn tập năm 2024 tại huyện Đức Cơ.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu đầu tư ngân sách mua sắm trang-thiết bị phòng thủ dân sự phục vụ công tác CNCH; tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn chuẩn bị về lực lượng, phương tiện tham gia phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố khi có tình huống xảy ra.