Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Xây dựng Gia Lai phát triển xanh, nhanh, bền vững và giàu bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Sáng 17-1, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh).

Về dự và chỉ đạo hội nghị có ông Trần Hồng Hà-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đak Lak.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phía tỉnh Gia Lai có các ông: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Tạo hành lang cho sự phát triển bền vững của tỉnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho biết: Dưới sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong khu vực và ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023.

Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Gia Lai được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước; phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (bìa phải) trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Đức Thụy

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (bìa phải) trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Đức Thụy

“Đặc biệt, Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đã cho thấy ý chí, khát vọng vươn lên của Gia Lai với mục tiêu đến năm 2030: Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”.

Việc công bố Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là tiền đề rất quan trọng và hết sức cần thiết để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, toàn thể Nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch.

Qua đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới giúp cho tỉnh Gia Lai cất cánh, sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Thay mặt UBND tỉnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã công bố tóm tắt Quyết định Quy hoạch tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.

“Trên cơ sở đó, tỉnh xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi, công bằng về lợi ích cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm như: Ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng...

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các lĩnh vực trọng điểm và vùng động lực của tỉnh; ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, chính quyền số, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, hạ tầng giao thông, kết nối đô thị và vùng động lực, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ tại khu cụm công nghiệp, hạ tầng để kết nối phát triển du lịch.

Xây dựng tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên có nền kinh tế trung hòa các-bon.

Cùng với đó, tỉnh cũng xác định các đột phá về cơ chế, chính sách; về nhân lực; về hạ tầng; về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Đức Thụy

Chú trọng đồng bộ hóa các quy hoạch

Trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Gia Lai nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội, là trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các nước Lào, Campuchia.

Với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa và thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là kiệt tác giữa đại ngàn đã mang đến cho Gia Lai những lợi thế riêng để phát triển nhanh, bền vững dựa vào hệ sinh thái với các trụ cột kinh tế như: nông-lâm nghiệp, dịch vụ-du lịch. Gia Lai hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, là không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận, là vùng đất của sử thi, của truyền thống anh hùng cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người của Gia Lai đi vào lịch sử.

Trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia lai đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, vươn lên để phát triển. Tốc độ phát triển tổng sản phẩm giai đoạn 2021-2023 đạt 9,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 71,42 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 152 ngàn tỷ đồng…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng: Quy hoạch tỉnh Gia Lai là bước chuyển hóa chủ trương lớn của Bộ Chính trị tại tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu phát triển tỉnh Gia Lai trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa.

“Bản Quy hoạch tỉnh hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên Việt Nam chúng ta có hệ thống các quy hoạch. Ngay sau bản quy hoạch này, Gia Lai cần phải kết hợp với các địa phương, quy hoạch thành vùng Tây Nguyên kết nối với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ để tạo ra vị thế phát triển mới. Quy hoạch này mang tính định hướng, sau đó Gia Lai cần phải tiếp tục đầu tư để hiện thực hóa các ý tưởng tiếp theo trong quy hoạch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đồng bộ hóa các quy hoạch cũng như quản lý tốt quy hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư có tầm cỡ vào đầu tư, phát triển”-Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị.

Liên quan đến các lĩnh vực phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Gia Lai có tiềm năng về tài nguyên nước, thủy điện, năng lượng tái tạo… nên cần phải được nhấn mạnh trong định hướng phát triển.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dược liệu gắn với chế biến nhờ đất đai màu mỡ, bằng phẳng. Ngoài ra, Gia Lai có diện tích rừng rất lớn với độ che phủ cao rất phù hợp để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái, kinh tế trung hòa các-bon…

Phó Thủ tướng Chính phủ thông tin thêm: “Chính phủ sẽ hết sức quan tâm để làm sao đưa vùng đất giàu tiềm năng này tiếp tục phát triển bền vững nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Với thành tựu và nền tảng được tạo lập, cùng truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, chúng ta tin tưởng Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên xin tiếp thu và lĩnh hội toàn bộ ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, khẩn trương lãnh đạo cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để Quy hoạch tỉnh sớm đi vào cuộc sống. Tạo động lực, khí thế mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để xây dựng Gia Lai phát triển xanh, nhanh, bền vững và giàu bản sắc.

Bí thư Tỉnh ủy cũng trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian đến để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.