Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt: Ia Grai cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếp tục chương trình giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, ngày 29-4, đoàn công tác của HĐND tỉnh Gia Lai đã tiến hành giám sát tại huyện Ia Grai. 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn giám sát. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. 
Theo báo cáo của UBND huyện Ia Grai, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngành, địa phương đã làm rõ mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp cũng như xác định sản phẩm lợi thế để của huyện để tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển. Đồng thời, tổng kết và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh khuyến khích chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng thương hiêu, đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) dựa trên thế mạnh của địa phương. Đến nay, Ia Grai có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như: Mật ong hoa cà phê, Mật ong đa hoa, Hạt điều A Sanh, Gạo A Sanh, Cà phê mộc đặc biệt...
Cùng với đó, huyện đã thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: thâm canh giống lúa mới OM 4900 theo hướng 1 phải-5 giảm; áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước trên cây hồ tiêu; Dự án VnSAT; mô hình sản xuất cà phê theo quy trình 4C; tái canh cà phê; phát triển cây ăn quả; sản xuất giống lúa JO2; sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Từ các chương trình, dự án, người nông dân được hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, giảm nghèo bền vững. 
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Ia Grai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Ia Grai. Ảnh: Quang Tấn
Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân trong giai đoạn 2016-2020 tăng 7%; giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản năm 2020 đạt 4.119,5 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng đa dạng, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; các loại cây trồng chủ lực được đẩy mạnh phát triển sản xuất cả về diện tích, năng suất và sản lượng; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã thúc đẩy tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân. Lĩnh vực chăn nuôi cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng, đã phát triển được nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung; công tác phòng-chống dịch bệnh được triển khai tốt. Công tác quản lý bảo vệ rừng được chỉ đạo triển khai tích cực, tình trạng lấn chiếm đất rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm so với trước đây. Đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như cao su, cà phê.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Ia Grai vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự rõ nét; việc tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế; việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa thực hiện được. Chất lượng tăng trưởng nông-lâm-thủy sản chưa cao và thiếu bền vững.
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra ở một số địa phương do tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng và chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản. Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nên hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Khảo sát thực tế vườn cây ăn trái của thành viên HTX dịch vụ và nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô). Ảnh: Quang Tấn
Khảo sát thực tế vườn cây ăn quả của thành viên Hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô). Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu kết luật buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Ia Grai đạt được trong công tác triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đề nghị UBND huyện cần quan tâm, có giải pháp khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, cần chú trọng đến công tác đưa các giống mới, chất lượng vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; tập trung chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả như cao su, điều sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây ăn quả, dược liệu…
Ngoài ra, cần chú trọng đến việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và phục vụ cho xuất khẩu. Cùng với đó, huyện cần quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho hạ tầng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn giám sát để bổ sung, hoàn thiện báo cáo.
Trước đó, đoàn giám sát đã tiến hành đi khảo sát thực tế tại vườn cây và làm việc với các Hợp tác xã nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (xã Ia Grăng); Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Tâm Thành (xã Ia Hrung); Hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô) và Trang trại bơ Mỹ Hoàng Gia.   
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.