Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Gần 2 tháng qua, vào lúc 18 giờ 30 phút các ngày trong tuần, hội trường xã Ia Rtô lại rộn rã tiếng nói cười. 58 học viên tham gia lớp học nghề điện dân dụng (do UBND xã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức) có mặt đông đủ, cặm cụi tháo lắp, sửa chữa các thiết bị điện bị hư hỏng.

Sau 1 ngày làm việc vất vả trên nương rẫy nhưng khi đến với lớp học, ai nấy đều phấn khởi vì được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Tại đây, các học viên được học cách lắp đặt, sửa chữa một số mạch điện chiếu sáng trong gia đình; sử dụng dụng cụ đo và kiểm tra các thông số điện; tháo lắp, đấu dây, sửa chữa một số động cơ điện 3 pha, 1 pha đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật.

nhung-mo-hinh-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-cua-nguoi-dan-ia-rto-bg.jpg
Anh Siu Kơ (thứ 4 từ phải sang, buôn Phu Ma Nher 1) được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học nghề điện dân dụng. Ảnh: V.C

Anh Siu Kơ (buôn Phu Ma Nher 1) cho biết: Gia đình anh thường xuyên sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt và sản xuất. Trước đây, khi chưa được học nghề, bản thân anh chưa hiểu biết về điện nên nếu có hư hỏng gì thì gọi thợ hoặc nhờ người sửa giúp.

“Sau khi được đào tạo nghề điện dân dụng, bản thân tôi đã hiểu được nhiều vấn đề. Tôi đã có thể tự sửa chữa một số thiết bị điện trong gia đình. Có kinh nghiệm rồi, tôi có thể nhận lắp đặt, sửa chữa điện cho hộ gia đình khác”-anh Kơ phấn khởi cho biết.

Với ông Ksor Sơ (buôn Phu Ma Nher 2), khoảnh đất trống sau nhà bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trước đây giờ mang lại cho gia đình rất nhiều lợi ích. Đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ gia đình lưới, hạt giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch.

Ông cải tạo khu vườn để trồng nhiều loại rau, mùa nào thức nấy. Không chỉ có nguồn rau sạch bổ sung cho bữa ăn hàng ngày, ông còn đem bán kiếm thêm thu nhập. Môi trường xung quanh nhà cũng sạch đẹp hơn trước.

Cách đây nửa tháng, ông Sơ quyết định sử dụng mảnh vườn nhỏ gieo cây giống để trồng 1,5 sào thuốc lá. Đây là năm đầu tiên gia đình trồng thuốc lá. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sự chia sẻ kinh nghiệm của các hộ dân đi trước, ông đã chăm sóc cây giống phát triển tốt. Mỗi ngày, ông tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều tối.

“Khoảng 1 tháng nữa, gia đình đưa cây giống ra trồng, thay thế diện tích mì bị bệnh khảm lá. Nếu thành công, vụ sau, tôi sẽ mở rộng diện tích thuốc lá ra toàn bộ 1 ha đất của gia đình”-ông Sơ kỳ vọng.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, gia đình anh Nay Ty (buôn Phu Ma Miơng) vừa nhận bàn giao căn nhà mới và 1 con bò sinh sản.

Để có nguồn hỗ trợ này, gia đình anh Ty buộc phải có vốn đối ứng. Căn nhà trị giá 88 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình anh vay thêm 40 triệu đồng đối ứng. Với con bò hỗ trợ, anh làm chuồng trại hợp vệ sinh, chuẩn bị nguồn thức ăn cho vật nuôi. Được cán bộ xã tuyên truyền, anh trồng thêm cỏ ngay trong vườn nhà và tích trữ rơm khô để làm thức ăn cho bò.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hướng dẫn nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể xã, hiện nay, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Anh Ty chia sẻ: “Từ nay, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, chăm lo con cái học hành để thoát nghèo bền vững. Tôi hiểu được rằng, tri thức rất quan trọng. Vì vậy, sau này khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hay các lớp học nghề, tôi sẽ tham gia đầy đủ để có thêm kiến thức giúp phát triển kinh tế gia đình”.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Với cách làm sáng tạo, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với các chương trình giảm nghèo đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS tại xã Ia Rtô thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chị Kpă Noan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Miơng-cho biết: Để cuộc vận động mang lại hiệu quả thiết thực, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, từ đó khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân.

Cùng với cán bộ xã, Ban Nhân dân và Ban Công tác Mặt trận thôn trực tiếp hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, phân loại rác thải, đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh…

2thuc-hien-cuoc-dong-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-ong-ksor-so-buon-phu-ma-nher-2-cai-tao-vuon-tap-de-gieo-cay-giong-thuoc-la-anh-vu-chi.jpg
Ông Ksor Sơ (buôn Phu Ma Nher 2) cải tạo vườn tạp để gieo cây giống thuốc lá trồng thay thế diện tích mì bị bệnh khảm lá. Ảnh: V.C

Từ năm 2023 đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của buôn Phu Ma Miơng đã được hỗ trợ 3 căn nhà, 8 con bò sinh sản, 2 hệ thống nước sạch, 20 người tham gia lớp học nghề điện dân dụng.

Hiện tại, buôn không còn hộ nghèo; trên 90% hộ chăn nuôi có chuồng trại, không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn tận dụng được nguồn phân bón cải tạo ruộng rẫy hoặc bán tăng thu nhập.

Các hộ trồng thêm cỏ và tích trữ rơm khô để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Tỷ lệ hộ dân có công trình phụ hợp vệ sinh đạt trên 70%...

Cuộc vận động như làn gió mới thổi tới từng buôn làng đồng bào DTTS trong xã, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng, chung tay của các ban, ngành, hội, đoàn thể trong xã.

Chị Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-thông tin: Chúng tôi lồng ghép cuộc vận động với phong trào, nhiệm vụ do các cấp Hội triển khai.

Từ năm 2022 đến nay, Hội thành lập 2 câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm mua bảo hiểm y tế” tại buôn Phu Ma Miơng và buôn Jứ Ama Nai với 55 thành viên. Sau một thời gian tiết kiệm, tất cả các chị tham gia câu lạc bộ đều tiết kiệm được tiền để mua bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình.

“Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, Ban Chấp hành Hội nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời. Ai thiếu vốn, Hội hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; ai chưa có kinh nghiệm sản xuất, Hội trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật…

Đến nay, thông qua 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ do Hội đứng ra tín chấp cho hội viên vay là hơn 10 tỷ đồng. Nhờ vậy, chị em tự tin vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống”-chị Như cho hay.

Ông Huỳnh Thanh Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho hay: Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thường xuyên kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ người dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như sơ kết, đánh giá để nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Cuộc vận động giúp bà con DTTS biết cách sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực của bản thân để vươn lên thoát nghèo. Buôn làng xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu như thách cưới, tổ chức cưới hỏi, ma chay kéo dài.

Nhiều hộ nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi dạy con cái nên tự nguyện đưa con đến trường đúng độ tuổi, chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.

3hoi-lien-hiep-phu-nu-xa-ia-rto-ra-mat-cau-lac-bo-phu-nu-dan-toc-thieu-so-tiet-kiem-mua-bao-hiem-y-te-tai-buon-phu-ma-miong-anh-vu-chi.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế tại buôn Phu Ma Miơng. Ảnh: Vũ Chi

Trao đổi với P.V, ông Nay Bưng-Phó Chủ tịch UBND xã-khẳng định: Thành công lớn nhất của cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” là người dân dần thay đổi nhận thức, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, cuối năm 2024, xã có 12 hộ thoát nghèo và 20 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo.

“Thời gian tới, UBND xã phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội trong quá trình thực hiện cuộc vận động.

Bên cạnh đó, phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân là tiết khí đầu tiên trong năm, ngày Lập xuân ở khía cạnh nào đó có thể coi là thời điểm bắt đầu năm mới, vậy Lập xuân 2025 là ngày nào?