Nữ cựu tù chính trị Võ Thị Hồng Phú:

Những ký ức không quên ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 50 năm trôi qua, song ký ức về những tháng ngày bị địch giam cầm, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo-nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”-vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Võ Thị Hồng Phú (SN 1956, phường Diên Hồng, tỉnh Gia Lai).

Giữa cơn mưa chiều tháng 7, chúng tôi đến thăm nữ cựu tù chính trị Võ Thị Hồng Phú (hiện ở trong căn nhà tình nghĩa tại số 75 đường Thống Nhất (phường Diên Hồng) nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).

Bên ly trà ấm nóng, thế hệ trẻ chúng tôi được nghe bà kể lại câu chuyện phục vụ cách mạng của mình, đặc biệt là hành trình vượt qua những khổ ải, tra tấn dã man của địch nơi ngục tù Côn Đảo, với ý chí không khuất phục và ngọn lửa sục sôi cách mạng.

img-6967.jpg
Bà Võ Thị Hồng Phú bên Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày do Chính phủ trao tặng. Ảnh: Minh Chí

Bà Phú sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình (cũ), trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Vì vậy, từ nhỏ bà đã hun đúc ý chí tham gia cách mạng. Năm 1972, giữa cao điểm chiến sự tại miền Trung, bà cùng chị họ và một người bạn xung phong tham gia làm giao liên. Không may, trong một lần vận chuyển tài liệu tại vùng núi Phù Mỹ, cả 3 bị địch bắt.

“Lúc bị bắt, 3 chị em tôi đã hứa với nhau dù có bị đánh, bị hành hạ cũng không hé nửa lời, thậm chí có chết cũng không khai. Bởi, giữ im lặng là giữ mạng sống cho cả đơn vị”-bà Phú kể lại với giọng khẳng khái.

Bị giam tại Phù Mỹ hơn nửa năm, sau đó, chị em bà bị địch chuyển về Quy Nhơn để tra khảo thêm gần 2 tháng, nhưng chúng vẫn không khai thác được thông tin gì. Cuối cùng, chúng đày bà và nhiều đồng đội ra nhà tù Côn Đảo.

95cb4dff8b8102df5b90.jpg
Từng giấy khen, huân chương, kỷ niệm chương đều được bà Phú đặt ở vị trí trang trọng.
Ảnh: Minh Chí

“Trong suốt thời gian bị địch giam cầm, tôi đã phải đối mặt với những hình thức tra tấn vô cùng tàn bạo, cả thể xác lẫn tinh thần. Bị đánh đập đến ngất đi, tỉnh lại, rồi bị đánh tiếp. Có lần tôi ngất xỉu, chúng vẫn xối nước muối để tôi tỉnh rồi tiếp tục tra khảo. Cơ thể gầy gò, ốm yếu dần nhưng mỗi ngày vẫn phải lao động khổ sai, tối về bị nhốt trong những chiếc hầm không ánh sáng”-bà Phú kể lại, đôi mắt ngấn lệ vì xúc động.

Dẫu vậy, bà Phú chưa bao giờ khuất phục trước nanh vuốt kẻ thù. Để bảo vệ mình và đồng đội, bà chỉ khai rằng mình là dân công và không hề biết thông tin gì thêm. Mặt khác, bà cùng đồng đội luôn động viên nhau vượt qua những ngày tháng khốc liệt.

Năm 1974, bà cùng nhiều tù chính trị khác ở Côn Đảo được tự do theo thỏa thuận trao trả tù binh giữa ta và địch. Trở về trong thể trạng yếu ớt, mang theo những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, vì vậy, bà Phú không thể tiếp tục ra tiền tuyến. Thay vào đó, bà tham gia công tác hậu phương, chung sức hoàn thành mục tiêu giải phóng tỉnh Bình Định (cũ) vào cuối tháng 3-1975.

Sau khi chăm chú lắng nghe câu chuyện của bà Phú, em Phạm Gia Bảo (ở tổ 7, phường Hội Phú) bày tỏ: “Chúng em từng học về chiến tranh, về lịch sử dân tộc nhưng hôm nay là lần đầu tiên em cảm nhận được sự thật khốc liệt, gian khổ qua lời kể của người trong cuộc. Càng nghe, thế hệ trẻ chúng em càng biết ơn những hy sinh to lớn của thế hệ ông bà đi trước; càng trân quý và nỗ lực gìn giữ giá trị của hòa bình".

Hiện tại, bà Phú đang sống cuộc đời giản dị trong căn nhà tình nghĩa ở phường Diên Hồng. Bà có lương hưu, trợ cấp thương binh và được các tổ chức, đoàn thể thường xuyên quan tâm, chăm sóc.

Bà Phú vui vẻ nói: “Mỗi dịp 27-7, lãnh đạo địa phương, Hội Cựu chiến binh đều đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tôi. Không ít lần, các cháu đoàn viên, thanh niên đến nghe tôi kể chuyện tham gia cách mạng. Tôi rất vui khi thế hệ trẻ hôm nay luôn biết quý trọng lịch sử, thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đóng góp của bà Võ Thị Hồng Phú và bao người con ưu tú của đất nước vẫn là ngọn lửa truyền cảm hứng về tình yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Có thể bạn quan tâm

Nghĩa tình với xã Gào

Nghĩa tình với xã Gào

(GLO)-Những ngày tháng 7 này, người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công ở xã Gào anh hùng (tỉnh Gia Lai) luôn ấm lòng bởi các hoạt động nghĩa tình thể hiện sự tri ân sâu sắc của các cấp, ngành, địa phương.

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

(GLO)- Những cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh dịp 27-7 luôn ấm nghĩa tình, đậm màu tri ân với tâm niệm “sống thay người nằm xuống và sống sao cho xứng đáng”. Đó cũng là không khí mà chúng tôi ghi nhận trong chương trình tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) sáng 22-7.

Rác thải “bủa vây” đường mới ven sông Dinh

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng rác thải "bủa vây" đường ven sông Dinh

(GLO)- Ngày 24-7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Thị Thanh Hương xác nhận: Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng rác thải, xà bần trên 2 tuyến đường giao thông dọc hệ thống tiêu thoát lũ ven sông Dinh (đoạn qua khu vực 1, phường Quy Nhơn Đông).

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

(GLO)- Không chỉ là kế sinh nhai, hoạt động cho thuê phao bơi của người dân tại bãi biển Quy Nhơn còn góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; nâng cao ý thức an toàn khi tắm biển cho du khách.

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

(GLO)- Đồng cảm với nỗi khổ của người nhà bệnh nhân vì không có chỗ tá túc khi chăm sóc người thân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, đại diện Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Khu vực phòng chờ, góp phần chia sẻ với thân nhân người bệnh.

Con đường là nỗi lo với các em học sinh khi năm học mới đang đến gần.

Dân làng Bok Rei “khóc ròng” vì đường sá lầy lội

(GLO)- Hàng chục hộ dân tại làng Bok Rei (xã Đak Sơ Mei, tỉnh Gia Lai) đang gặp trở ngại về giao thông khi con đường liên xã dài hơn 2 km lầy lội bùn đất. Năm học mới sắp đến gần, nỗi lo càng lớn hơn khi các em học sinh sẽ phải vượt qua quãng đường trắc trở này để tới lớp.

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

Lan tỏa nghĩa tình tháng Bảy

Lan tỏa nghĩa tình trong tháng 7 tri ân

(GLO)- Việc quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn duy trì, triển khai nhiều năm qua. Đây là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt trong những ngày tháng 7 tri ân.

null