Nhân viên kế toán trường học ở Gia Lai nghỉ việc hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Áp lực công việc cao nhưng chế độ đãi ngộ thấp đã khiến hàng chục nhân viên kế toán trường học ở Gia Lai nghỉ việc để tìm công việc khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường học.
Nhiều áp lực
Ông Võ Hữu Triển-nhân viên kế toán Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: Cách đây 2 tháng, ông đã viết đơn xin thôi việc. “Tôi bắt đầu đi làm từ năm 1989. Ban đầu, tôi làm trong một cơ quan bảo hiểm xã hội rồi chuyển sang làm nhân viên kế toán trường học. Tôi làm kế toán ở Trường THCS Nguyễn Du mấy chục năm rồi, mới đây phải kiêm nhiệm thêm kế toán tại Trường Mầm non Trà My. Riêng ở Trường THCS Nguyễn Du, mỗi tháng, tôi phải tính toán, chuyển lương, chế độ hơn 1 tỷ đồng cho giáo viên, nhân viên rồi thu các khoản tiền của 2.000 học sinh đã bù đầu, mấy tháng nay còn phải kiêm nhiệm thêm việc kế toán trường khác nữa. Tuổi tôi đã lớn, nhiều hôm phải làm đến 7-8 giờ tối và liên tục di chuyển giữa 2 trường, tôi lo lắng có sai sót về số liệu khi tính toán. Chưa kể mức lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng ở trường chính và 1,5 triệu đồng ở trường kiêm nhiệm là quá thấp. Vì vậy, tôi đã viết đơn xin thôi việc”-ông Triển nói.
Theo ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku: “Từ tháng 10-2014 đến nay, thành phố có 33 viên chức kế toán của 66 trường học công lập nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác. Riêng năm 2022, có 3 nhân viên kế toán hợp đồng ở 3 trường mầm non: Trà My, Hoa Phong Lan, Tuổi Hồng đã nghỉ việc và 1 kế toán biên chế ở Trường THCS Nguyễn Du gửi đơn xin thôi việc”.
Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhân viên kế toán xin thôi việc do áp lực. Ảnh: Nguyễn Tú
Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhân viên kế toán xin thôi việc do áp lực. Ảnh: Nguyễn Tú
Năm 2022, huyện Chư Pưh có 5 nhân viên kế toán công tác tại các trường học nghỉ việc là: Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo, Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Ama Trang Lơng. Ông Đậu Sỹ Quốc-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-cho hay: “Nguyên nhân là do áp lực công việc. Ngoài làm ở trường chính, họ còn kiêm nhiệm thêm công việc kế toán ở 1 trường hoặc 1 phòng chức năng của huyện nhưng mức lương chỉ nhận tại trường chính. Công việc nhiều mà chế độ đãi ngộ thấp nên họ tìm kiếm công việc khác phù hợp, thu nhập cao hơn. 5 kế toán nghỉ việc thì đồng nghĩa với 10 trường học thiếu người làm việc này. Do vậy, Phòng phải phân công kế toán trường khác kiêm nhiệm thêm”. 
Năm học 2022-2023, huyện Phú Thiện cũng đã có 1 nhân viên kế toán nghỉ việc. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Cách đây 2 tháng, nhân viên kế toán của Trường Tiểu học Ngô Mây được UBND huyện đồng ý cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. Nguyên nhân xin nghỉ việc cũng là do áp lực công việc, một mình kiêm nhiệm 2 trường, phụ cấp thêm không có”.
Loay hoay tìm giải pháp
Nhân viên kế toán trường học đồng loạt nghỉ việc khiến các trường đối mặt với nhiều khó khăn về hoạt động tài chính. “Những năm qua, anh Triển luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng năm nay, dù phải kiêm nhiệm thêm 1 trường, công việc nhiều gấp đôi, nhưng anh Triển vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Tháng 10-2022, anh Triển gửi đơn xin nghỉ việc. Sau khi nhận đơn, nhà trường cũng đã gặp mặt, động viên nhưng anh ấy bảo do áp lực công việc, chế độ đãi ngộ thấp, lo lắng có những sai sót nên kiên quyết thôi việc. Nhà trường đang lo lắng sẽ gặp khó trong công tác tài chính”-thầy Mai Văn Ân-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du-cho biết.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku: “Mấy năm nay, chúng tôi liên tục kiến nghị tuyển thêm nhân viên kế toán thay thế số đã nghỉ, chuyển công tác nhưng chưa được phê duyệt. Còn muốn ký hợp đồng kế toán với nhân viên mới ra trường hay 1 đơn vị kế toán độc lập khác là sai quy định”.
Tại huyện Chư Pưh có 5 nhân viên kế toán trường học nghỉ việc trong năm 2022. Ảnh: Nguyễn Tú
Một số trường học của huyện Chư Pưh gặp khó do thiếu nhân viên kế toán. Ảnh: Nguyễn Tú
Còn Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh thì thông tin: Trên địa bàn huyện có 31 trường học nhưng có 5 viên chức kế toán nghỉ việc, dẫn đến 10 trường không có nhân viên kế toán. “Chúng tôi đã trực tiếp gặp, động viên họ gắn bó với ngành nhưng không thành. Hiện chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Ban giám hiệu động viên kế toán ở trường mình, linh hoạt về mặt thời gian để họ hoàn thành công việc tại 2 trường và kiến nghị cấp trên bổ sung biên chế. Theo tôi, giải pháp khả dĩ nhất là tuyển thêm biên chế mới thay thế người đã nghỉ, việc kiêm nhiệm chỉ là giải pháp tình thế”-ông Quốc nói.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.