Người dân làng Kon Băh nuối tiếc nhà rông gần 40 năm tuổi bị cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Với người Bahnar ở làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), nhà rông như thể một trái tim mà dẫu có đi đâu họ cũng luôn hướng về. Nhưng niềm tự hào ấy bỗng chốc đã bị ngọn lửa  thiêu rụi hoàn toàn.

Cháy nhà rông gần 40 năm tuổi

Từ sáng sớm 2-8, hơn 100 người dân đại diện cho các hộ trong làng Kon Băh đã tề tựu về sân nhà rông. Hầu hết mọi người đều tất bật việc nương, rẫy, song họ vẫn tập trung đông đủ để họp làng bàn phương án khắc phục hậu quả của vụ cháy. Cạnh đó, tàn tích của đám cháy sáng hôm trước vẫn còn nguyên vẹn. Mùi tro tàn sộc lên mũi khiến dân làng không khỏi xót xa. Mái nhà rông sừng sững giữa trời giờ còn trơ trọi những chiếc cột đen kịt, ông Hyưn-già làng làng Kon Băh thẫn thờ, ánh mắt đầy hoang hoải.

Bộ khung trơ trọi của nhà rông sau khi bị ngọn lửa thiêu rụi. Ảnh: Văn Ngọc

Bộ khung trơ trọi của nhà rông sau khi bị ngọn lửa thiêu rụi. Ảnh: Văn Ngọc

Già Hyưn buồn bã kể rằng: Năm 1986, khi già mới là chàng thanh niên mười chín đôi mươi, dân làng đã bắt đầu xây dựng nhà rông trên nền đất của ngôi làng cũ. Khi ấy, làng chỉ có vài chục nóc nhà nhưng dân làng vẫn đồng lòng cử đại diện tham gia vào công cuộc dựng nhà rông đầy công phu. Một nhóm lên rừng chọn những cây gỗ trắc to nhất, thẳng nhất để về làm trụ, số khác xẻ ván làm nền, còn lại đi chặt tre, nứa, phụ nữ đi cắt lá tranh. Ròng rã suốt hơn 3 năm trời, dân làng Kon Băh mới hoàn thiện được nhà rông này.

“Ngày ấy còn nghèo đói, lạc hậu, không có dụng cụ hiện đại như bây giờ, tất cả chỉ làm thô sơ bằng sức người. Nhưng ai nấy đều đồng lòng, quyết tâm dựng bằng được mái nhà rông. Đám thanh niên chúng tôi hăm hở lên rừng kéo những cây gỗ to, vượt qua bao con dốc, con suối mới đưa về được tới làng. Dù hơi lâu một chút nhưng khi hoàn thành rồi dân làng cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện vô cùng. Nhà rông như chỗ dựa tinh thần của bà con, có nhà rông dân làng như có mái nhà chung để cùng nhau đoàn kết lao động sản xuất, xua đi cái đói, cái nghèo”-già Hyưn bộc bạch.

Người làng Kon Băh tập trung đông đủ để họp bàn phương án khắc phục vụ cháy. Ảnh: Văn Ngọc

Người làng Kon Băh tập trung đông đủ để họp bàn phương án khắc phục vụ cháy. Ảnh: Văn Ngọc

Với những thanh niên thế hệ sau như anh Vơi (SN 1987) thì tuổi thơ anh gắn liền với mái nhà rông. Từ bé, anh đã cùng lũ bạn nô đùa quanh sân nhà rông. Tối đến, anh cùng thanh niên làng ngủ lại nơi đây mà không về nhà. Anh Vơi chia sẻ: “Khi tôi sinh ra và nhận thức được thì nhà rông đã ở đó rồi, cảm giác nó to lớn, vĩ đại lắm. Khi nào không theo cha mẹ lên nương rẫy là lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau ra đây chơi, tối đến thì tập trung ca hát vui lắm. Hoạt động nào của làng cũng đều được tổ chức ở nhà rông, từ lễ hội cho đến các cuộc họp. Nếu không có nhà rông, có lẽ chúng tôi đã không có tuổi thơ đẹp như thế”.

Đầu những năm 2000, dân làng Kon Băh rời làng cũ để về khu tái định cư hiện tại. Thời điểm ấy, họ cũng đã dựng một nhà rông nho nhỏ nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định rời nhà rông từ làng cũ sang làng mới vào năm 2008. Và đây cũng là một trong những căn lớn nhất, đồ sộ nhất ở “xứ sở nhà rông” Hà Tây. Nhà rông làng Kon Băh ước tính có bề ngang 10m, dài hơn 17m và cao khoảng 15m.

Dân làng Kon Băh thẫn thờ trước cảnh nhà rông bị thiêu rụi. Ảnh: Văn Ngọc

Dân làng Kon Băh thẫn thờ trước cảnh nhà rông bị thiêu rụi. Ảnh: Văn Ngọc

Già Hyưn tự hào: “Nhà rông làng mình được xem là giá trị nhất vì có nhiều gỗ trắc lớn nhất với 8 trụ, đường kính từ 40-50cm. Có thời điểm thương lái vào năn nỉ, dụ dỗ bán lại với giá hơn 6 tỷ đồng nhưng dân làng nhất quyết không bán vì nó là thứ ông cha để lại. Con người có thể già đi rồi mất, cái gì cũng có thể mai một nhưng những trụ cột của nhà rông phải còn mãi cho con cháu.

Nguyện vọng của dân làng

Sáng 1-8, ngọn lửa bất ngờ bốc lên rồi nhanh chóng lan rộng vượt xa khỏi tầm kiểm soát của con người. Hay tin, dân làng từ khắp nơi hớt hải chạy về. UBND xã cũng huy động hàng chục con người cùng bình chữa cháy và tất cả các phương tiện có thể tận dụng được để dập lửa. Người dân từ các ngôi làng lân cận cũng vội vã đến ứng cứu. Nhưng tất cả đều bất lực trước ngọn lửa hung dữ, nóng hầm hập phả vào tất cả những thứ xung quanh. Những tán cây cách đó từ 5-7m cũng héo khô vì hơi nóng tỏa ra từ vụ cháy.

Nhà rông sừng sững chỉ còn là một khung cảnh hoang tàn sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: Văn Ngọc

Nhà rông sừng sững chỉ còn là một khung cảnh hoang tàn sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: Văn Ngọc

Khi mái nhà rông cháy, tất cả mọi người cùng ùa vào, mỗi người một tay dập tắt đám cháy tránh gây thiệt hại đến 8 trụ gỗ trắc. Nhờ vậy, các trụ của nhà rông chỉ bị cháy xém một phần và có thể tận dụng lại. Tuy nhiên, rất nhiều vật dụng của làng để trong nhà rông đã bị cháy rụi. Đặc biệt là bộ cồng chiêng duy nhất còn sót lại được dân làng bảo quản như báu vật.

Anh Vơi tâm sự: “Mới tối hôm trước, chúng tôi còn dạy cho lũ trẻ trong làng đánh cồng chiêng. Tụi nhỏ thích lắm, đứa nào cũng chăm chỉ học để sắp tới có lễ hội là sẽ được vào đánh. Nhưng sau vụ cháy, nhiệt độ nóng quá đã làm đồng chảy ra, méo mó nên chiêng bị hư hại hoàn toàn không sử dụng được. Dân làng rất mong sẽ được hỗ trợ mua lại bộ chiêng mới để nét đẹp văn hóa này không bị mai một và sẽ dựng lại nhà rông”.

Trong buổi họp làng, già Hyưn nhấn mạnh: “Nhà rông cũng cháy rồi, ai buồn cũng buồn rồi nhưng không cứ để thế này được. Bây giờ, mỗi người một tay, dọn dẹp lại cho gọn gàng. Sau đó chúng ta sẽ xin tạo điều kiện xây lại nhà rông mới. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, mất nhiều công sức của mỗi nhà nhưng làng không thể không có nhà rông!”.

Già Hyưn (phải) thổ lộ nguyện vọng của dân làng muốn xây dựng lại nhà rông. Ảnh: Văn Ngọc

Già Hyưn (phải) thổ lộ nguyện vọng của dân làng muốn xây dựng lại nhà rông. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết: “Nhà rông làng Kon Băh là một trong 5 nhà rông nguyên bản trên địa bàn xã song đáng tiếc đã bị hỏa hoạn thiêu rụi dù các lực lượng đã nỗ lực hết sức. Hiện xã vẫn đang cùng các cơ quan chức năng thống kê thiệt hại cũng như làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Xa hơn, UBND xã sẽ đề xuất các cấp có phương án hỗ trợ cho nguyện vọng dựng lại nhà rông cũng như mua sắm lại bộ cồng chiêng cho làng”.

Được biết, năm 2015, nhà rông làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây) cũng bị sét đánh cháy rụi. Tuy nhiên sau đó, dân làng đã được tạo điều kiện dựng lại nhà rông mới to đẹp, khang trang và trở thành một trong những nhà rông lớn nhất Tây Nguyên cũng như là điểm đến của khách du lịch thập phương.

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.