Xứ sở nhà rông tuyệt mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể nói không ngoa rằng ở xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) đang có những nhà rông đẹp nhất Tây nguyên, do chính bàn tay tài hoa của cộng đồng thiểu số nơi đây dựng lên.

Trong đó, làng Kon Sơ Lăl có ngôi nhà rông đặc sắc gắn với bao chuyện nhân văn của làng. Đấy là ngôi nhà rông gần gũi với cộng đồng, chưa bị phong trào tôn hóa nhà rông xâm lấn. Khách thập phương đến đây không khỏi trầm trồ trước tuyệt tác nhà rông của làng.

Chưa hết, ở xã Hà Tây còn có thêm 4 nhà rông khác, mái cũng được lợp bằng tranh, đúng kiểu truyền thống kiêu hãnh vươn lên trời xanh. Những nhà rông như thế, vùng Trường Sơn nay đang dần hiếm.

Nhà rông làng Kon Sơ Lăh

Nhà rông làng Kon Sơ Lăh

Dựng lại từ đống tro tàn

Người dân của làng Kon Sơ Lăl còn nhớ mãi buổi chiều giông gió ngày 29.4.2015. Hôm ấy, cơn giông lớn kèm sấm sét đã đánh trúng vào một căn nhà trong làng. Họa thiên tai khiến 20 căn nhà và một nhà rông được dựng bằng gỗ trắc quý giá bị cháy. Thời điểm đó gỗ trắc rất có giá trị nên thiệt hại ước đến cả chục tỉ đồng. May sao có mưa lớn nên những trụ gỗ trắc không bị trận hỏa hoạn thiêu rụi, nhưng ngôi nhà rông chỉ còn trơ khung gỗ.

Sau trận hỏa hoạn, nhiều thương lái đổ xô vào tận làng hỏi mua những cây gỗ trắc chưa bị cháy. Già làng cùng nhiều người có uy tín trong làng bàn bạc và cuối cùng, mọi người cùng nhất trí bán số cột gỗ trắc của nhà rông với giá 4 tỉ đồng, chỉ giữ lại 4 cột để dựng nhà rông mới.

Mất hơn một năm chuẩn bị với nhiều thủ tục trình lên cấp trên để xin gỗ, chọn cây, đến năm 2017 nhà rông mới đã hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công trên nền đất của làng mới. Trước đó, năm 2002, cả làng được vận động di dời ra trung tâm xã để tiện cho việc đi lại, học hành của con trẻ, khám chữa bệnh… Nhà rông cũ cùng nhiều căn nhà dựng lên bằng gỗ trắc được người làng cắt cử thanh niên trông coi cẩn thận cho đến khi gặp hỏa hoạn.

Mái nhà rông lợp tranh có độ bền tận 10 năm, mỗi năm chỉ cần dặm vá thêm

Mái nhà rông lợp tranh có độ bền tận 10 năm, mỗi năm chỉ cần dặm vá thêm

Ông Dữu, Phó già làng của làng Kon Sơ Lăl, kể: "Thanh niên trẻ khỏe, khéo tay thì chọn gỗ, đẽo cây. Phụ nữ trong làng được phân công mỗi người góp 4 bó tranh để lợp mái. Vách được thưng bằng nứa đan thành liếp. Nhà rông mới rộng hơn nhà cũ, đủ sức cho hơn cả trăm người ngồi. Khánh thành nhà rông mới, làng quyết định mở hội lớn".

Số tiền bán cột gỗ trắc được người làng mua máy cày, máy tuốt lúa và mua một xe cấp cứu để giúp người làng khi ốm đau phải chuyển lên tuyến trên. Người trong làng có nhu cầu xay xát, tuốt lúa chỉ lấy ít tiền công, tiền dầu, còn lại được hỗ trợ. Số tiền dư 1 tỉ đồng được đem gửi ngân hàng lấy lãi dùng vào việc công. Trong làng hễ ai ốm đau được hỗ trợ 500.000 đồng. Từ câu chuyện xui rủi trong vụ hỏa hoạn, những câu chuyện nhân văn khác của cộng đồng làng Kon Sơ Lăl được khởi đi như vậy!

Hướng đến vùng đất du lịch

Xã Hà Tây có 9 làng thì có đến 5 nhà rông truyền thống ở các làng Kon Sơ Lăl, Kon Măh, Kon Hơng Lẽh, Kon Băh, Kon Kơmó. Ở đây, tỷ lệ người dân tộc thiểu số Ba Na chiếm đến 96%. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, khoảng cách từ xã ra đến trung tâm phố thị Pleiku lên đến hơn 60 km, nhưng nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người bản địa như cồng chiêng, nghệ thuật đi cà kheo và đặc biệt là những mái nhà rông truyền thống do công sức của những người trong các làng dựng lên.

Cầu treo bắc qua suối Đăk Pơ Tang là một trong những cảnh đẹp được khách tham quan tìm tới

Cầu treo bắc qua suối Đăk Pơ Tang là một trong những cảnh đẹp được khách tham quan tìm tới

Giữa trung tâm các làng, ngôi nhà rông truyền thống mái lợp tranh, cọc gỗ, vách thưng bằng nứa như những lưỡi rìu lớn cao tầm 20 m vươn lên sừng sững. Nhà rộng tầm hơn 6 m, dài khoảng hơn 30 m. Sở dĩ nhà rông truyền thống của một số dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên có hình lưỡi rìu có lẽ xuất phát từ tâm thức sâu thẳm trong các cộng đồng làng. Đấy là do từ xa xưa, họ quần cư ở trong núi thẳm rừng sâu, đối chọi với bệnh tật, thú dữ cùng bao thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Do vậy khi dựng nhà rông, nền nhà được làm cao hơn mặt đất, mái nhà cong vút hình lưỡi rìu như một sự gửi gắm với trời về sự chở che, an lành cho cộng đồng cùng ý thức vươn lên mạnh mẽ.

Khách thập phương đến xã Hà Tây không khỏi trầm trồ khi được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác nhà rông như thế. Với phương tiện trong tay chỉ là những công cụ thô sơ, họ đã dựng lên một công trình kỳ vĩ. Và cứ mỗi tối, thanh niên trong làng lại ra nhà rông sinh hoạt, ngủ lại đấy. Tập tục ngủ lại nhà rông để canh giữ, bảo vệ làng khi có việc cần thiết vẫn được gìn giữ bao đời nay.

Địa danh thú vị

Nói đến tên xã Hà Tây, một cái tên rất người Kinh giữa cộng đồng Ba Na cũng là điều thú vị. Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân, trong một công bố của mình, cho biết trước năm 1954, toàn bộ vùng đất này là 2 xã Hà Đông và Hà Tây thuộc tổng Kon Mơhar (tỉnh Kon Tum). Từ địa danh gốc là Kon Mơhar, 2 cái tên Hà Đông và Hà Tây đã hình thành khá sớm trong thời kỳ cách mạng. Tháng 10.1950, Đảng bộ khu Plei Kon (còn gọi là khu Trung - vùng đất nằm giữa thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum, bao gồm cả Kon Mơhar) được thành lập, do ông Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) làm bí thư.

Sau khi thành lập Đảng bộ, khu Plei Kon chia xã và lập các chi bộ: Labà, Hà Đông, Hà Tây, Đak Đoa. Trong đó, xã Hà Đông là phần đất phía Đông xã Kon Mơhar, còn Hà Tây là vùng đất phía Tây xã này. Ở đây, Hà là biến âm từ Har (trong Kon Mơhar); còn Đông và Tây là vị trí của xã trong tương quan với tổng Kon Mơhar cũ. Theo ông Lê Tam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thì cái tên Hà Đông và Hà Tây xuất phát từ gợi ý của Bí thư khu Trung lúc đó là ông Nguyễn Tuấn Tài.

So với Kon Sơ Lăl, nhà rông làng Kon Măh cũng không kém đặc sắc, thu hút rất nhiều lượt khách tham quan. Ông Ngưm, già làng của làng Kon Măh, kể: "Làm nhà rông phải chuẩn bị kỹ lắm, mất cả năm. Người làng phải tập trung nhân công làm trong 3 tháng mới xong. Ngôi nhà rông này làm xong năm 2008. Với mái tranh, nếu làm kỹ thì phải được chừng 10 năm mới phải thay. Hằng năm chỉ dặm vá những chỗ hư hỏng do mưa nắng thôi. Có nhà rông, khi có việc làng chỉ cần đánh kẻng là dân làng biết mà tới. Mùa lễ hội mọi người tập trung vui lắm".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Pah, cho biết: "Xã Hà Tây còn nhiều khó khăn. Với lợi thế sẵn có là những ngôi nhà rông truyền thống cùng những thắng cảnh đẹp, chúng tôi đang định hướng cho nơi đây phát triển du lịch để góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân". Còn ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, chia sẻ: "Xã đang được giao quản lý, bảo vệ 2.500 ha rừng. Nguồn tiền giao khoán, bảo vệ rừng hằng năm cũng giúp cho dân đỡ khó khăn. Xã có hơn 1.075 hộ nhưng hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao, lên đến gần 1/3. Chúng tôi đang thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ người dân cải thiện, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng du lịch và dịch vụ".

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null