Người dân đường Hoàng Sa và Nguyễn Đình Chiểu không còn lo... mất Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài ngày nữa là Tết. Một cái Tết khác thường. Và trong nhiều điều khác thường, tôi đến 2 tuyến đường từng bị phong tỏa ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) để tường tận cảnh bà con chuẩn bị đón Tết như thế nào. 
 


Không ảnh hưởng gì

Khi trời đã nhiều nắng, tôi lượn một vòng từ đầu đường Hoàng Sa (giáp với đường Lê Thánh Tôn) tới cuối đường (giáp với đường Hùng Vương). Cảm giác chung là mọi hoạt động của cư dân và phương tiện diễn ra bình thường. Bác Tám sau khi thu dọn đem giấy lộn ra đốt trước nhà. Vừa dùng que cời đám cháy, bác Tám vừa thủng thẳng trả lời: "Ở đâu chứ đoạn đường này không ảnh hưởng gì. Bà con vẫn sinh hoạt, đi lại, làm ăn bình thường".

Tâm sự thêm, bác Tám cho biết vừa mới mua 2 chậu cúc đại đóa để chưng Tết tại góc đường Hoàng Sa-hẻm 125 của đường này. Chỗ bán hoa sau đó, tôi có ghé lại. Chủ vựa hoa cho biết hoa này trồng ở Pleiku, giá đang rẻ, chỉ lấy công làm lời, phần vì không phải thuê mặt bằng. Vựa đang bán 2 loại cúc tùy chất lượng: loại vừa 300-350 ngàn đồng, loại nhỏ 100-110 ngàn đồng/chậu. Giá này là quá rẻ, chỉ chừng 1/2 giá năm ngoái. Lòng tự nhiên trắc ẩn trước nỗi cơ cực của người trồng hoa.

Tiếp giáp đường Hoàng Sa và hẻm 125. Ảnh: Thất Sơn
Điểm bán hoa Tết ven đường Hoàng Sa. Ảnh: Thất Sơn


Góc đường Hoàng Sa-Trần Nhật Duật, một nhóm người hỏi han mua bán gà, vịt sống. Chị chủ vựa nói tiếng miền Bắc cho biết gà để cúng giá 110 ngàn đồng/kg, loại chỉ để ăn thịt giá thấp hơn một chút. Vài chục con gà vừa trống, vừa mái béo tốt được quây lại trong chiếc lồng sắt hơn 2 m2. "Bà con thoải mái lựa chọn, mua nhiều chúng tôi giảm giá, làm hộ lông, lòng cho"-chị bán gà đon đả. So với hoa tươi và nhiều nông sản khác đang "mắc" đầu ra, rõ ràng kinh doanh thực phẩm tươi sống như chị bán gà này không có gì phải "lăn tăn", hàng cứ bán đều đều.

Cách đó vài chục mét, quán Cà phê Nhật (giáp với hẻm 125 Hoàng Sa-nơi từng bị phong tỏa), một nhóm thanh niên đang chuyện trò rôm rả. Chỗ này cách nhà 17/125 hẻm Hoàng Sa-nơi bệnh nhân dương tính với Covid-19 từng lưu lại chừng vài trăm mét. Các bạn trẻ cho biết khi có lệnh phong tỏa ai cũng lo, chỉ ở trong nhà. Nhưng sau 48 tiếng đồng hồ thì lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ, bà con thấy nhẹ người và phấn khởi thấy rõ.

 Cơ sở cây cảnh của anh Hải (hẻm 125 Hoàng Sa) vận chuyển cho thuê chơi Tết.  Ảnh: Thất Sơn
Cơ sở cây cảnh của anh Hải (hẻm 125 Hoàng Sa) vận chuyển cho thuê chơi Tết. Ảnh: Thất Sơn


Thăm vườn mai, cây cảnh trong hẻm 125 Hoàng Sa, cảm giác lo lắng thay bằng sự tự tin nơi ông chủ tên Hải. Vườn rộng tới cả mẫu, ngang dọc, trên dưới, đều đặn hàng ngàn chậu mai, cây cảnh đủ loại, đủ kiểu khoe sắc. Mai cổ thụ tuổi đời vài chục năm trở lên cũng tới năm bảy chục chậu, có chậu giá đến trăm triệu đồng. Đứng chỉ đạo nhân công đẩy, khênh, bốc cây lên ô tô, anh Hải cho biết sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa, anh đã lập tức đưa cây đi chào bán. Bây giờ đã là 28 Tết, anh không coi trọng chuyện bán buôn mà chỉ cho thuê mai chơi Tết.

Vừa tạm biệt anh Hải đã lại gặp Thắng, ông bạn lâu năm. "Năm nào tôi cũng vô đây tìm mấy chậu chơi Tết. Năm nay dịch dã thế này, chủ yếu ở nhà, có mai ngắm cũng đỡ buồn, ông ạ"-Thắng nói. Ô tô đỗ bên kia đường đã mở cốp sẵn, rõ ràng Thắng quyết tìm cho được mấy chậu mai ưng ý cho Tết này.  

Trong khi đó, tại đường Nguyễn Đình Chiểu từng bị phong tỏa liên quan đến ca dương tính Covid-19 là tài xế nói trên, hình như nơi này chưa hề xảy ra chuyện gì "ghê gớm". Các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, ăn uống gần như nhộn nhịp tức thì sau khi không còn bị phong tỏa.

Anh Mười, một cư dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu không giấu vẻ phấn khởi khi nguồn lây nhiễm dịch kịp thời được phát hiện, khống chế. "Tuyến đường không còn bị ảnh hưởng và cuộc sống đã trở lại bình thường khiến bà con chúng tôi mừng rơi nước mắt. Lúc mới biết có dịch, vợ con tôi lo sợ lắm"-anh Mười tâm sự.

Cùng tâm trạng, chị Loan-một cư dân trên đường này kể: "Hôm đó (ngày 3-2), cả khu phố nháo nhào, vẻ mặt người nào cũng lo lắng. Nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, bịt khẩu trang kể cả lúc đi ngủ".

Chẳng còn những ngày nơm nớp lo sợ, anh Mười, chị Loan đã hoàn toàn tự tin vào cuộc sống an toàn, những ngày Tết vui tươi, không chỉ với gia đình mình mà còn với bà con xóm phố, thành phố.

Vẫn phải cảnh giác, đề phòng

Dù đã mấy ngày lệnh phong tỏa được dỡ bỏ nhưng chính quyền, người dân thành phố nói chung, khu vực từng bị phong tỏa trên 2 tuyến đường Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu vẫn tỏ ra cảnh giác, sẵn sàng đón Tết nhưng luôn nêu cao tinh thần phòng-chống dịch.

Anh Nghĩa-cư dân trong hẻm 125 Hoàng Sa-cho biết, mẹ anh năm nay đã 87 tuổi. Tuổi cao nên thường đi liền với bệnh tật. "Lúc có thông tin ca bệnh lưu lại và con hẻm bị phong tỏa, tôi lo cho mẹ lắm. May là sau đó cụ không việc gì. Từ đó đến giờ, gia đình tôi giữ rịt mẹ trong nhà, đề phòng vẫn hơn. "Cẩn tắc vô áy náy", bà con chúng tôi còn bảo nhau thực hiện đầy đủ khuyến cáo "5K" cho an toàn để còn vui Tết.

Đường Nguyễn Đình Chiểu 28 Tết.  Ảnh: Thất Sơn
Đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Pleiku) chiều 28 Tết. Ảnh: Thất Sơn


Cũng với tâm thế chủ động phòng-chống dịch, anh Mười-cư dân trên đường Hoàng Sa-cho biết: "Do đã từng bị phong tỏa dù chỉ 48 giờ, nhưng bà con khu phố ai cũng hiểu nỗi sợ, sự bất tiện trong sinh hoạt và đời sống thời gian đó. Do vậy, không đợi khuyến cáo của ngành chức năng mà bất cứ biểu hiện khả nghi dịch bệnh nào, bà con cũng cam kết tự giác đưa đi thăm khám và để được tư vấn, chữa trị kịp thời”.

Chủ tịch UBND phường Ia Kring Nguyễn Hoàng Quang Minh cho biết, phường vẫn duy trì lực lượng theo dõi mọi diễn biến hàng ngày liên quan đến công tác phòng-chống dịch trong con hẻm 125 Hoàng Sa. Lực lượng tham gia gồm Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng tổ dân phố 10, công an, cán bộ phụ trách phòng-chống dịch của phường, nhân viên y tế (tăng cường từ 3 trạm y tế các phường: Hội Phú, Yên Đổ, Diên Hồng tham gia thực hiện hỗ trợ khai báo y tế, khoanh vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết), vì 7 cán bộ y tế của phường đang thực hiện cách ly tập trung.

"Ngoài ra học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng, phường cũng đã thành lập 28 tổ phòng-chống Covid-19 cộng đồng với 87 thành viên tự nguyện tham gia giúp truy vết, cập nhật và thông tin tình hình địa bàn dân cư để ngành chức năng chủ động biện pháp quản lý và phòng-chống dịch hiệu quả"-Chủ tịch UBND phường Ia Kring nói.

Chủ động vẫn hơn, và tình hình nơi từng có ca mắc Covid-19 ghé đến lúc này không chỉ có việc phòng chống dịch. Khi tôi chuẩn bị chia tay thì điện thoại của Minh lại reo vang. "Thành phố chỉ đạo giải cứu hoa Tết anh ạ. Phải tích cực tiêu thụ cho dân. Phường chủ động ứng trước kinh phí, thành phố sẽ cấp bổ sung sau"-Minh cho biết.

Còn với đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Tây Sơn), đoạn đường bị phong tỏa nghiêm ngặt gồm có 97 hộ. 48 giờ liền, khu vực này không ai được phép ra vào, ngoại trừ lực lượng làm nhiệm vụ. Ngay khi xuất hiện ca bệnh, được sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố, phường đã nhanh chóng củng cố, kích hoạt tất cả các bộ phận và tham gia cùng các lực lượng phòng-chống dịch Covid-19. Sự vào cuộc tích cực với quyết tâm và trách nhiệm cao của các lực lượng phòng-chống dịch các cấp đã giúp công tác phát hiện, truy vết, khống chế dịch kịp thời, nhanh chóng trả về cuộc sống bình thường cho người dân khu vực.

Chủ tịch UBND phường Tây Sơn Nguyễn Tín cho biết, hiện nhà mẹ vợ của tài xế dương tính với Covid-19 gồm có 3 người đang thực hiện cách ly tập trung. Lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong ngôi nhà này theo quy định. Đề phòng dịch bệnh, phường tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ thông điệp "5K", an tâm tư tưởng để kinh doanh buôn bán và ổn định cuộc sống.

"Như vậy là Tết năm nay, bà con trên địa bàn phường nói chung, đường Nguyễn Đình Chiểu nói riêng không lo bị mất Tết. Chúng tôi và bà con không gì vui mừng cho bằng"-ông Tín phấn khởi nói.
 

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Người 39 năm làm già làng

Người 39 năm làm già làng

(GLO)- Ở tuổi 89, ông Han-già làng làng Chăm Nek (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vẫn siêng năm lao động, truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho bà con dân làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.