Người Bahnar ở Kông Lơng Khơng vươn lên làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ đồng bào dân tộc Bahnar ở vùng đất khó Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu.


Đang đứng chờ nhân công bốc mía chất đầy lên xe tải, anh Đinh Văn Vên (làng Mơ Hra-Đáp) cho hay: Đây là lúc cao điểm của vụ thu hoạch mía nên anh rất ít khi về nhà. Tuyến đường quen thuộc của anh bây giờ là từ rẫy mía đến Nhà máy Đường An Khê. Niên vụ 2022-2023, anh có 20 ha mía nguyên liệu. Trong số này có hơn 7 ha là đất của gia đình, anh thuê thêm 3 ha. Khoảng 10 ha còn lại là đất của người thân, họ hàng, anh góp vốn đầu tư. Đầu vụ, anh ứng vốn đầu tư tiền cày, giống, phân bón cho chủ mía. Cuối vụ, họ thuê xe anh vận chuyển mía ra nhà máy rồi trừ lại chi phí đã ứng trước. Với năng suất mía bình quân trên 70 tấn/ha, giá thu mua 1.050.000 đồng/tấn, cộng với tiền vận chuyển, mỗi năm, gia đình anh Vên có thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng. “Những năm gần đây, giá mía khá ổn định. Người trồng mía lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí”-anh Vên phấn khởi nói.

Anh Đinh Văn Mir (làng Dờng) có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm từ trồng mía và chạy xe dịch vụ. Ảnh: Minh Phương

Anh Đinh Văn Mir (làng Dờng) có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm từ trồng mía và chạy xe dịch vụ. Ảnh: Minh Phương

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang bên cạnh rẫy mía đang thu hoạch, anh Yang Minh Ngợi (làng Mơ Hven-Ôr) cho biết: Từ đầu vụ đến nay, anh lo thu hoạch mía của những hộ mà mình đã bỏ vốn đầu tư. Năm ngoái, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng mua xe tải để vận chuyển mía cho gia đình và những hộ được anh ứng vốn đầu tư ban đầu. Đổi lại, đến cuối vụ, họ thuê anh chở mía, hoàn trả tiền đã ứng. Theo dự tính của anh Ngợi, bình quân 1 ha thu được hơn 60 tấn. Với giá thu mua hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư cộng với doanh thu từ dịch vụ vận tải, gia đình anh thu nhập 300-400 triệu đồng.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình anh Đinh Văn Mir (làng Dờng) cũng có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài đầu tư chăm sóc rẫy mía hơn 3 ha, anh còn mua ô tô để chạy dịch vụ. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, anh Mir luôn đi đầu trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất mía của gia đình anh luôn đạt trên 70 tấn/ha. Theo anh Mir, mía được xem là cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Trước kia, do lối canh tác lạc hậu nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Không ít hộ trong làng tự nguyện tham gia cánh đồng mía lớn, được cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất nên tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian, giảm công sức lao động mà năng suất lại đạt cao. Giờ đây, nhiều hộ dân có lãi bình quân 30-40 triệu đồng/ha mía.

Chị Siu Thị Yang (vợ anh Yang Minh Ngợi; làng Mơ Hven-Ôr, xã Kông Lơng Khơng) bên rẫy mía đang thu hoạch của gia đình. Ảnh: Minh Phương

Chị Siu Thị Yang (vợ anh Yang Minh Ngợi; làng Mơ Hven-Ôr, xã Kông Lơng Khơng) bên rẫy mía đang thu hoạch của gia đình. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Xuân Đồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Lơng Khơng-khẳng định: Nhiều năm qua, Hội Nông dân cùng với các ban ngành, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, Hội chú trọng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tiêu biểu như: trồng cây ăn quả, cánh đồng mía lớn (làng Bờ-Chư Pâu); trồng dứa mật (làng Kdâu); nuôi cá nước ngọt (làng Pờ Ngăl)… với các thành viên chủ yếu là người Bahnar.

Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: Nhờ nỗ lực vươn lên, nhiều hộ đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn xã đã vươn lên làm giàu. Đơn cử như các hộ: Đinh Văn Thịnh (làng Pờ Ngăl), Yang Minh Ngợi (làng Mơ Hven-Ôr) thu nhập 400-500 triệu đồng/năm. Hay gia đình anh Đinh Văn Mrứi (làng Bờ-Chư Pâu), Đinh Văn Vên (làng Mơ Hra-Đáp), Đinh Văn Yon (làng Mơ Hven-Ôr)… có mức thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Một số hộ còn mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao như các ông: Đinh Thai (làng Pờ Ngăl), Đinh Mai Lê (làng Mơ Hven-Ôr)… Ngoài ra còn có 60 hộ khác cũng mua được máy cày, máy phay phụ sản xuất.

“Qua triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn xã đã thể hiện ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành gương điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa trong cộng đồng”-ông Đồng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.