Nông dân An Khê vươn lên làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ khai thác triệt để các thế mạnh của địa phương để phục vụ sản xuất nên nhiều nông dân ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có thu nhập cao, trong đó có không ít hộ vươn lên làm giàu.
Vươn lên làm giàu
Thị xã An Khê có hơn 6.700 hội viên nông dân. Hưởng ứng các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”... nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sự (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) là hộ tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã năm 2020. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân thị xã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức, bà nhận thấy trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, bà Sự vay 600 triệu đồng để chuyển hơn 1 ha mía sang trồng quýt đường. Đến nay, vườn quýt đã cho thu hoạch và mang lại nguồn thu đáng kể.
Ngoài trồng trọt, bà Sự còn tận dụng ao nước rộng gần 1.000 m2 để nuôi 1.500 con vịt lấy trứng. Mỗi ngày, đàn vịt đẻ khoảng 1.000 quả trứng đã đem lại nguồn thu cho gia đình bà khoảng 3 triệu đồng. Bà còn nuôi 3 con heo nái, 80 con heo thương phẩm và 7 con bò. “Hàng năm, gia đình tôi thu nhập gần 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-bà Sự vui vẻ tâm sự.
Mô hình ươm cây lâm nghiệp của anh Thái Xuân Biên (thôn An Thượng 3, xã Song An) cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình ươm cây lâm nghiệp của anh Thái Xuân Biên (thôn An Thượng 3, xã Song An) cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Minh
Nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp tăng cao, đầu năm 2020, anh Thái Xuân Biên (thôn An Thượng 3, xã Song An) vào TP. Hồ Chí Minh học hỏi kỹ thuật nuôi cấy mô cây lâm nghiệp. Đến nay, anh đã bán được hơn 130 ngàn cây giống với giá bình quân 2.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, anh thu về 120 triệu đồng. Ngoài mô hình nuôi cấy mô, anh Biên còn thu về hơn 300 triệu đồng/năm từ việc ươm cây giống. Hiện cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Nhằm đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội đã tích cực triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Duy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An-thông tin: “Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cho người dân 150-300 triệu đồng/năm như: trồng cây ăn quả, măng tây, nuôi bò siêu thịt, nuôi hươu lấy nhung... Đặc biệt, mô hình nuôi cá lồng giúp các hộ dân thu về cả tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, Hội Nông dân xã triển khai mô hình trồng chanh dây, dâu tây, nuôi ốc bươu đen với sự tham gia của gần 30 hội viên. Các thành viên đều được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng đầy đủ”.
Thời gian qua, Hội Nông dân thị xã đã triển khai 3 mô hình gồm: trồng bưởi da xanh (xã Cửu An), chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế (xã Thành An) và trồng quất cảnh trong nhà lồng (phường Tây Sơn). Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ 22 hội viên tiếp cận Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư mở rộng sản xuất với tổng dư nợ 901 triệu đồng.
Hội viên nông dân thị xã An Khê trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh
Hội viên nông dân thị xã An Khê trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh
Nói về định hướng trong những năm tới, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: Hội tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, Hội sẽ phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của địa phương, vận động những hộ sản xuất có đủ điều kiện để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. “Trên cơ sở tổng kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022, chúng tôi sẽ vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, chúng tôi tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức các phiên chợ giới thiệu mặt hàng nông sản tiêu biểu của địa phương và vận động hội viên nông dân mạnh dạn đăng ký tham gia sản phẩm OCOP”-ông Hạnh nhấn mạnh.
Thị xã An Khê hiện có hơn 3.600 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 8 hộ đạt cấp trung ương, 32 hộ cấp tỉnh, 736 hộ cấp thị xã và hơn 2.800 hộ cấp xã.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.